Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh không gian

Vệ tinh Triều Tiên
09:33 - 21/11/2023
Triều Tiên sẽ tiến hành phóng vệ tinh không gian từ 22/11 cho tới 1/12, Ảnh: Reuters
Triều Tiên sẽ tiến hành phóng vệ tinh không gian từ 22/11 cho tới 1/12, Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết Triều Tiên đang có kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh không gian vào quỹ đạo từ 22/11 cho tới 1/12 tới, đánh dấu nỗ lực lần thứ ba của Bình Nhưỡng sau 2 lần thất bại trước đó.

Hãng tin Reuters trích dẫn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ngày 21/11 cho biết kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên sẽ diễn ra theo hướng Hoàng Hải và Biển Hoa Đông. Đây là nỗ lực thứ ba của Bình Nhưỡng nhằm phóng vệ tinh không gian vào quỹ đạo và nỗ lực đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực hiện chuyến công du Nga hồi tháng 9.

Nếu được thực hiện, vụ phóng này có thể sẽ diễn ra ngay trước kế hoạch phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên của Hàn Quốc với sự trợ giúp của Mỹ vào ngày 30/11 bằng tên lửa SpaceX Falcon-9 từ căn cứ Vandenberg của quân đội Mỹ.

Kế hoạch trên được thông báo trong khuôn khổ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nga bằng tàu hỏa. Khi đó ông Kim Jong Un đã tới tham quan trung tâm phóng hiện đại nhất của Nga và nhận được cam kết từ Tổng thống Vladimir Putin về việc giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối từ phía Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ông lên án các động thái này của Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản, trong đó bao gồm các tàu khu trục Aegis và tên lửa phòng không PAC-3, luôn sẵn sàng trong trường hợp có bất kỳ "tình huống bất ngờ" nào xảy ra.

Trả lời các phóng viên ngày 21/11, ông khẳng định: “Ngay cả khi mục đích là phóng vệ tinh, việc Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo là vi phạm một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia”.

Trong bối cảnh đó, ông Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẽ làm việc với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác để "thúc đẩy mạnh mẽ" Triều Tiên không tiếp tục vụ phóng tên lửa.

Trên thực tế, Triều Tiên coi các chương trình tên lửa là quyền chủ quyền của mình. Các chương trình vệ tinh không gian này bắt đầu từ cuối tháng 8/1998 khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh Kwangmyongsong-1 trên tên lửa Paektusan từ Bãi phóng vệ tinh Tonghae gần bờ biển phía đông.

Sau đó, các vệ tinh Kwangmyongsong 2 và 3 lần lượt được phóng nhưng không thành công. Tới 12/12/2012, Triều Tiên phóng thành công phiên bản thứ hai của Kwangmyongsong-3. Sau khi thành lập Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) nhằm theo đuổi hoạt động thám hiểm không gian vì mục đích hòa bình, nước này tiếp tục thực hiện các vụ phóng vệ tinh khác.

Ngày 23/6/2016, Triều Tiên cho biết đã thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), với tầm bắn từ 3.200-5.400 km. Tới tháng 7/2017, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa Hwasong-14.

Ngày 19/12/2022, Triều Tiên cho biết đã tiến hành thử nghiệm "giai đoạn cuối" để phát triển vệ tinh do thám tại trạm phóng Sohae. Tới ngày 16/32023, Triều Tiên phóng thử ICBM Hwasong-17, tên lửa lớn nhất của nước này mà một số nhà phân tích tin rằng có tích hợp công nghệ cho các phương tiện phóng vào không gian.

Vào các ngày 31/5/2023 và 24/8/2023, quốc gia này lần lượt phóng các vệ tinh không gian nhưng một lần nữa đều gặp thất bại.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.