Trung Quốc đối phó làn sóng dịch lớn nhất sau Vũ Hán

COVID-19 TRUNG QUỐC
16:20 - 04/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đang vượt 100 ca mỗi ngày trong vài tuần liên tiếp và dịch đã xuất hiện tại 19 tỉnh thành, khiến nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ năm ngoái.

Tất cả các địa phương của Trung Quốc hiện đều được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng dịch. Hôm 4/11 nước này tiếp tục yêu cầu công dân không ra nước ngoài nếu không có lý do thiết yếu hoặc khẩn cấp. Chiều ngược lại, người nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc tiếp tục phải trải qua những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới.

Bất chấp các biện pháp chặt chẽ này, đợt dịch mới tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương do biến chủng Delta lây lan nhanh. Làn sóng dịch mới tại Trung Quốc bùng phát hôm 17/10 và hiện đã xuất hiện tại 19 tỉnh và thành phố với tổng cộng 718 ca nhiễm có triệu chứng được phát hiện.

Lực lượng chống dịch hùng hậu tại Trung Quốc. Ảnh: RTE

Lực lượng chống dịch hùng hậu tại Trung Quốc. Ảnh: RTE

Hôm 4/11, cơ quan y tế Trung Quốc thông báo có 104 ca nhiễm mới trong vòng 24h qua gồm 87 ca phát hiện trong cộng đồng và có thêm hai tỉnh xuất hiện Covid-19. Đây là con số quá nhỏ so với các nước khác vốn đang mở cửa sống chung với dịch, nhưng lại là cao bất thường đối với Trung Quốc vì nước này vẫn duy trì theo đuổi tiêu diệt Covid-19 bằng mọi giá.

Thủ đô Bắc Kinh hiện được đặt trong tình trạng báo động khi Covid-19 bắt đầu tấn công trường học. Thành phố đã cho đóng cửa 2 trường học và chuyển 16 trường khác sang hình thức học trực tuyến để ngăn chặn nguồn lây cho học sinh và giáo viên. Trong đợt dịch mới lần này Bắc Kinh đã ghi nhận 40 ca nhiễm, cao nhất kể từ đợt dịch lan ra từ Vũ Hán vào tháng 1/2020.

Số ca nhiễm tại Trung Quốc là quá ít so với hàng chục nghìn ca mỗi ngày ở các nước khác, nhưng Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1/11 vẫn kêu gọi người dân tích trữ nhu yếu phẩm cần thiết cho mùa đông, nhằm đề phòng các đợt bùng phát dịch trong thời gian tới có thể dẫn tới phong tỏa trên diện rộng.

Những động thái nói trên được đưa ra khi cả đất nước hơn một tỷ dân mới chỉ có hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày khiến Trung Quốc như đang đi ngược dòng chống dịch với các nước. Sau khi Australia, New Zealand hay Hàn Quốc từ bỏ việc tìm cách đưa số ca nhiễm về 0 bằng mọi giá, thì hiện chỉ còn lại Trung Quốc duy trì mục tiêu này. Đây là lý do khiến các biện pháp chống dịch ở Trung Quốc có phần cực đoan hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Bất chấp những áp lực từ biến chủng lây lan nhanh Delta hay làn sóng mở cửa sống chung với dịch đang phổ biến trên thế giới, giới chức Trung Quốc hiện vẫn chưa có ý định thay đổi cách chống dịch trong thời gian ngắn. Chiến lược này được duy trì ngay cả khi Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho 75% dân số, tương đương hơn 1 tỷ người và họ vẫn quyết tâm loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi cộng đồng.

Các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly dài hạn với người nước ngoài nhập cảnh và lập tức phong tỏa ngay khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng đang tiếp tục được được áp dụng tại Trung Quốc, trái ngược với xu thế “bình thường mới” mở cửa kinh tế đang hình thành trên khắp châu Á.

Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến Trung Quốc vẫn duy trì biện pháp chống dịch tốn kém và tác động nặng nề đến nền kinh tế là do nước này muốn đảm bảo kỳ Thế vận hội Mùa đông đầu năm tới tại Bắc Kinh diễn ra suôn sẻ. Theo đó, phải tới sau sự kiện thể thao này những thay đổi trong cách tiếp cận với Covid-19 mới có thể được Trung Quốc cân nhắc.

Tin liên quan

Đọc tiếp