Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nước ASEAN sắp bắt kịp?

KINH TẾ THẾ GIỚI
17:34 - 31/10/2021
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nước ASEAN sắp bắt kịp?
0:00 / 0:00
0:00
Một nghiên cứu do các nhà kinh tế Maybank Kim Eng công bố gần đây cho thấy đà giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động lớn đến các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN lần đầu đuổi kịp Trung Quốc vào năm tới

Vào đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một tuyên bố rằng “thịnh vượng chung” không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là vấn đề chính trị “liên quan trực tiếp đến nền tảng quyền lực của Đảng”. “Chúng ta không thể để khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng lên khi người nghèo càng nghèo đi và người giàu càng giàu lên. Chúng ta càng không thể để xuất hiện khoảng cách không thể kiểm soát giữa người giàu và người nghèo”, ông Tập nói.

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc tới đây sẽ tập trung vào tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sử dụng, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng như siết quản lý lĩnh vực công nghệ đang phát triển tự do trong suốt thời gian qua.

Lần gần đây nhất, trong một phát biểu hồi đầu tháng 7, ông Tập nhấn mạnh trọng tâm của các chính sách kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới sẽ tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng. .

Khi Chính phủ Bắc Kinh tập trung vào các chính sách kinh tế - xã hội bao quát hơn, đặc biệt tập trung thúc đẩy bình đẳng xã hội dựa trên nền tảng “thịnh vượng chung”, đà tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm tốc. Trung Quốc đã chuẩn bị cho kịch bản này bằng việc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong cả năm 2021, một con số thấp hơn nhiều so với dự báo khoảng 8% mà các tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra.

Dự báo trong dài hạn, tỷ lệ dân số già, gánh nặng nợ trên GDP lớn cũng như các mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, một nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà kinh tế từ Maybank Kim Eng dự báo 5 nền kinh tế lớn trong khu vực ASEAN không bao gồm Singapore (ASEAN-5: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan) có thể vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP vào năm 2022.

Tăng trưởng GDP ASEAN-5 (trừ Singapore) đã thấp hơn Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua nhưng có thể vượt Trung Quốc vào năm tới (Maybank Kim Eng)

Tăng trưởng GDP ASEAN-5 (trừ Singapore) đã thấp hơn Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua nhưng có thể vượt Trung Quốc vào năm tới (Maybank Kim Eng)

Cụ thể, Maybank Kim Eng dự báo trong bối cảnh các quốc gia ASEAN dần thúc đẩy mở cửa kinh tế và mở cửa biên giới, tăng trưởng GDP của khối ASEAN-5 có thể đạt 5,6% trong năm 2022, cao hơn mức dự báo 5% cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Đà phục hồi của ASEAN được dẫn đầu bởi mức tăng trưởng dự báo 7% của Philippines, 6,7% của Việt Nam, 6% của Malaysia, theo Maybank Kim Eng.

Dự báo cụ thể về tăng trưởng GDP Trung Quốc và ASEAN-6 trong năm 2021 và 2022 do Maybank Kim Eng thực hiện (Maybank Kim Eng)

Dự báo cụ thể về tăng trưởng GDP Trung Quốc và ASEAN-6 trong năm 2021 và 2022 do Maybank Kim Eng thực hiện (Maybank Kim Eng)

So sánh với hơn 3 thập kỷ trước đó, kinh tế Trung Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP vượt quá ASEAN với mức tăng bình quân 10% trong những năm 1990 và 2000 trước khi giảm xuống ổn định ở mức 7,7% trong những năm 2010. Trong khi đó, suốt 3 thập kỷ qua, tăng trưởng GDP của ASEAN ổn định ở mức khoảng 5,2%.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm tốc, ASEAN ảnh hưởng ra sao?

Theo Maybank Kim Eng, mức giảm 1% trong tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể sẽ khiến GDP nhiều quốc gia ASEAN giảm, tương ứng 0,6% với Singapore, 0,5% với Thái Lan, 0,5% với Malaysia, 0,3% với Indonesia và 0,1% với Philippines. Nguyên nhân là do sự hội nhập sâu rộng của các nền kinh tế trong khu vực với Trung Quốc.

Khi tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm 1%, tăng trưởng GDP các quốc gia Thái Lan và Malaysia ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tương ứng 0,5% (Maybank Kim Eng)

Khi tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm 1%, tăng trưởng GDP các quốc gia Thái Lan và Malaysia ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tương ứng 0,5% (Maybank Kim Eng)

Trung Quốc là đối tác chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại của các quốc gia ASEAN, lớn hơn nhiều tỷ lệ 11,5% của thị trường Mỹ và 7,7% của thị trường Nhật Bản. Luôn nằm trong top thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước ASEAN, Trung Quốc chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia, 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia trong năm ngoái.

Kim ngạch thương mại với Trung Quốc tăng dần theo thời gian và hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN (Maybank Kim Eng)

Kim ngạch thương mại với Trung Quốc tăng dần theo thời gian và hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN (Maybank Kim Eng)

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN-6 nói chung (Maybank Kim Eng)

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN-6 nói chung (Maybank Kim Eng)

Trung Quốc cũng là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cho ASEAN. Từ năm 2016 đến năm 2020, vốn đầu tư từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ trực thuộc Trung Quốc (Hong Kong) chiếm tổng cộng gần 15% trong dòng vốn FDI vào ASEAN, lớn hơn tỷ trọng 12,1% của Nhật Bản, 11,9% của Mỹ và 11,1% của EU.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm tới gần 15% trong tổng vốn FDI vào ASEAN giai đoạn 2016-2020 (Maybank Kim Eng)

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm tới gần 15% trong tổng vốn FDI vào ASEAN giai đoạn 2016-2020 (Maybank Kim Eng)

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Maybank Kim Eng, đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài nói chung và đầu tư vào ASEAN nói riêng có nguy cơ chững lại do đà giảm tốc tăng trưởng trong nước. Kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Cơ quan theo dõi đầu tư toàn cầu tại Trung Quốc chỉ ra rằng các hợp đồng đầu tư và xây dựng của Trung Quốc vào ASEAN đã giảm xuống chỉ còn 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021.

Các hợp đồng đầu tư và xây dựng của Trung Quốc vào ASEAN đạt 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, trong đó giá trị các hợp đồng vào Việt Nam là 640 triệu USD (Maybank Kim Eng)

Các hợp đồng đầu tư và xây dựng của Trung Quốc vào ASEAN đạt 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, trong đó giá trị các hợp đồng vào Việt Nam là 640 triệu USD (Maybank Kim Eng)

Bên cạnh thương mại và đầu tư, nguồn khách du lịch từ Trung Quốc cũng đóng góp lớn vào sự bùng nổ du lịch của khu vực ASEAN trước thời điểm đại dịch. Năm 2019, du khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 21,8% tổng lượng du khách toàn khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Maybank Kim Eng cảnh báo chính sách “Zero-Covid” mà chính phủ Bắc Kinh theo đuổi có thể sẽ trì hoãn việc mở cửa biên giới cũng như hoạt động du lịch quốc tế của Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến đà phục hồi khu vực dịch vụ (cụ thể là dịch vụ du lịch và các ngành liên quan) tại khu vực ASEAN.

Để lấp đầy phần nào chỗ trống mà du khách Trung Quốc để lại, một số quốc gia ASEAN đang tìm cách thu hút khách du lịch từ các thị trường khác khi các chính phủ hướng tới mở cửa trở lại biên giới. Chẳng hạn, Thái Lan, quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể khi lượng khách du lịch từ Trung Quốc giảm mạnh, đang tìm cách thu hút khách du lịch Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia này sẵn sàng cho kế hoạch đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.