Trung Quốc khó trở thành thị trường thay thế EU cho khí đốt Nga

KHÍ ĐỐT NGA
06:42 - 31/03/2022
Nga từng là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu sang châu Âu. Nguồn: Reuters.
Nga từng là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu sang châu Âu. Nguồn: Reuters.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù Nga đã đạt được những thỏa thuận lịch sử với Bắc Kinh, nhưng "cơn khát" năng lượng của Trung Quốc cũng khó có thể bù đắp những mất mát của Nga khi phải rời xa thị trường châu Âu.

Khi căng thẳng với Nga lên cao, Liên minh châu Âu (EU) và Anh thông báo đang xem xét các biện pháp nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc - nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và cho biết vẫn tiếp tục các hoạt động thương mại với Moscow, bao gồm các hợp đồng mua bán khí đốt, dầu mỏ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kể cả trong trường hợp khả quan nhất, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc trong tương lai cũng chỉ bằng 2/3 lượng năng lượng nước này hiện đang bán cho châu Âu.

Bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia cho biết, tổng doanh thu từ việc bán dầu cho Trung Quốc sẽ không thể nào so sánh được với Châu Âu bởi giá bán thấp. Bà tuyên bố tại Diễn đàn Doha rằng: “Thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể bù đắp toàn bộ sản lượng xuất khẩu tới phương Tây”.

Theo SCMP, Nga xuất khẩu 16,5 tỷ mét khối (bcm) khí thiên nhiên tới Trung Quốc vào năm 2021 thông qua đường ống và khí hóa lỏng (LNG). Cũng đã có nhiều kế hoạch nâng cấp các đường ống để có thể xử lý gần 100 bcm và thúc đẩy doanh số của khí hóa lỏng.

Tuy nhiên, bà Tatiana Mitrova nhận định mối quan hệ với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng giúp Nga trao đổi các loại hàng hóa cần thiết, đặt trong bối cảnh nước này đang đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt, cấm vận từ Mỹ và phương Tây.

Chưa đầy ba tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, trong chuyến thăm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết một loạt hợp đồng dầu khí tổng trị giá ước tính 117,5 tỷ USD.

Trong thời gian tới, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom sẽ cung cấp khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống mới nối giữa đảo Sakhalin và tỉnh Hắc Long Giang. Khi đường ống đi vào hoạt động năm 2026, tổng lượng khí tự nhiên cung cấp từ Nga sang Trung Quốc mỗi năm sẽ tăng lên tới 48 tỷ m3, gần gấp 5 lần con số của năm 2021.

Ngoài ra, Gazprom đang chuẩn bị sơ bộ cho một đường ống khác qua Mông Cổ, có thể cung cấp thêm 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc khi đi vào hoạt động.

Trong khi đó, các quốc gia Châu Âu đang gấp rút tìm kiếm nguồn thay thế khí đốt của Nga. Qatar, nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, được coi là một ứng cử viên sáng giá.

Ủy ban châu Âu hôm 30/3 cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước Liên minh châu Âu để chuẩn bị cho các tình huống cung cấp khí đốt, sau khi Đức khởi động kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung khí đốt trong trường hợp có thể bị gián đoạn dòng chảy từ Nga.

Giám đốc chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans phát biểu trong một cuộc họp báo. Nguồn: Reuters.

Giám đốc chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans phát biểu trong một cuộc họp báo. Nguồn: Reuters.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ trường hợp nào như vậy. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên để mọi người sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào", Giám đốc chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans phát biểu trong một cuộc họp báo.

Hôm 26/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước sản xuất năng lượng như Qatar tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên để châu Âu không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. “Tôi đề nghị các bạn tăng sản lượng năng lượng để đảm bảo rằng tất cả mọi người ở Nga đều hiểu rằng không quốc gia nào có thể sử dụng năng lượng làm vũ khí và tống tiền thế giới", ông Zelensky nói thêm.

Trái lại, ông Saad Sherida Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Qatar Energy, cho biết khí đốt của Nga hiện chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu của châu Âu, và sẽ không thể được thay thế bằng các nguồn khác trong một sớm một chiều. "Ngay lập tức, tôi không nghĩ rằng Qatar hay bất cứ quốc gia nào có thể thay thế khí đốt của Nga", ông nhận định.

Ông Saad Sherida Al-Kaabi cũng cho biết, khoảng 85% khí hóa lỏng của Qatar sẽ được chuyển đến Châu Á theo các hợp đồng dài hạn và không thể chuyển đổi. Trung Quốc cũng là khách hàng LNG số một của Qatar, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp