Trung Quốc sẽ cắt giảm nhiên liệu hóa thạch

nhiên liệu TRUNG QUỐC
08:48 - 26/10/2021
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc đang có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch xuống dưới 20% vào năm 2060, tuy nhiên nước này chưa đưa ra cam kết cụ thể về giảm lượng khí thải.

Trước thềm Hội nghị cấp cao về khí hậu COP26 sẽ diễn ra tại Glasgow (Scotland), truyền thông Trung Quốc đã công bố tài liệu nội bộ đề cập chi tiết các biện pháp nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường tại nước này.

Theo đó đến năm 2060 nhiên liệu hóa thạch giảm xuống dưới ngưỡng 20% trong các loại nhiên liệu tiêu thụ tại nước này và đạt được mức độ trung tính carbon. Đây là động thái gây chú ý khi chỉ còn một tuần nữa tới cuộc họp cấp cao COP26, nơi các nguyên thủ thế giới sẽ thảo luận về việc đẩy nhanh tốc độ giảm phát thải khí nhà kính đối phó với tình trạng trái đất nóng lên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có chuyến thăm nước ngoài nào kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và nhiều khả năng ông sẽ không trực tiếp tham dự COP26. Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố chi tiết về phái đoàn của họ đến Hội nghị.

Việc Trung Quốc có thể thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu của mình hay không đang được quốc tế đánh giá kỹ lưỡng trong những tháng gần đây. Hiện nước này đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19 bằng cách xây dựng hàng chục nhà máy than mới và đẩy nhanh các dự án xây dựng dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng năng lượng hóa thạch tại Trung Quốc. Ảnh: PVM

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng năng lượng hóa thạch tại Trung Quốc. Ảnh: PVM

Gần đây, Trung Quốc còn tăng cường khai thác than để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Tuần trước, chính phủ nước này lệnh cho các mỏ than nội địa "sản xuất càng nhiều than càng tốt" sau vài tuần thiếu điện ở nhiều tỉnh thành. Than hiện là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất điện và thép. Năm ngoái, than chiếm gần 60% lượng sử dụng năng lượng của cả nước.

Trong khi đó, theo tài liệu mới công bố Trung Quốc sẽ dần giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, nước này sẽ đưa tỷ lệ năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu phi hoá thạch đạt 25% và tăng lên 80% vào 30 năm sau. Điều này đồng nghĩa nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ sẽ giảm xuống 20%.

Trung Quốc hiện đã là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất năng lượng tái tạo nhưng sẽ cần tăng cường năng lực về điện gió và điện mặt trời để đáp ứng các mục tiêu khí hậu như trên của mình. Theo đó đến năm 2030, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt năng lượng gió và năng lượng mặt trời lên tới hơn 1.200 gigawatt.

Trước đây, Trung Quốc từng cam kết năng lượng tái tạo sẽ chiếm 25% công suất điện lắp đặt của nước này, trong đó điện gió và mặt trời sẽ chiếm 16,5% năng lượng vào năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu của mình, Trung Quốc sẽ tiến hành tái cơ cấu ngành công nghiệp, đẩy nhanh sự phát triển của hệ thống năng lượng sạch, ít carbon, an toàn và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông ít carbon.

Bắc Kinh từng thúc đẩy các mỏ than giảm sản lượng vào đầu năm nay khi nước này theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng nhiên liệu, Trung Quốc lại vừa thay đổi bằng cách yêu cầu các mỏ than tăng năng suất tối đa.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.