TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quốc hội càng khó tính cắt giảm quy phạm, đất nước càng phát triển

CHÍNH SÁCH Việt nAM
17:54 - 02/11/2021
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các chuyên gia tại buổi tọa đàm 2/11
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các chuyên gia tại buổi tọa đàm 2/11
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm chuyên gia một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Chủ tịch Quốc hội chủ trì tọa đàm về hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.

Bao gồm: Thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Về tiến độ thực hiện, đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã gửi Ban chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đã hoàn thiện, sẽ được Đảng đoàn Quốc hội nghiệm thu vào ngày 3/11. Hai chuyên đề còn lại đang được tích cực triển khai để nghiệm thu trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là lĩnh vực rất phức tạp. Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược này. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ quy định về chương trình xây dựng pháp luật hằng năm. Chiến lược đã xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Toạ đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Toạ đàm

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn, khắc phục tình trạng "cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết". Sáng 3/11, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai nội dung này.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia cho ý kiến vào 3 vấn đề: Về định hướng thống nhất nội hàm một số khái niệm. Nguyên tắc yêu cầu với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đóng góp ý kiến về nội hàm một số khái niệm, nguyên tắc trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, mục tiêu, giải pháp xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các đại biểu có ý kiến rằng việc xây dựng chuyên đề lần này cần có tính kế thừa và phát triển chủ trương định hướng, văn bản trước đây, nhất là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 25/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các chuyên gia tại buổi toạ đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các chuyên gia tại buổi toạ đàm

Công khai minh bạch trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh đến chiến lược, phát triển pháp luật phải có tầm nhìn trường tồn, rộng hơn, xa hơn, gắn với các quy luật phát triển của pháp luật, xã hội, gắn với vai trò, năng lực, khả năng, giá trị, chức năng ngày càng gia tăng, không thể bị thay thế của pháp luật trong xã hội, trong phát triển, trong đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.

Đa số các chuyên gia góp ý hai vấn đề mà chiến lược nêu ra có mối quan hệ rất biện chứng đó là khâu ban hành và thực thi pháp luật. Hiện nay, công tác tổ chức thi hành pháp luật còn có những hạn chế. Do đó, chiến lược nhất thiết phải nêu cả 2 vấn đề, vừa xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa tổ chức thi hành pháp luật.

GS.TS. Trần Ngọc Đường nêu ý kiến, trong thời gian tới, cần tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế bớt được việc giao cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết thi hành. Xuyên suốt trong quá trình lập pháp từ giai đoạn đưa sáng kiến đến soạn thảo, xem xét, thông qua tại Quốc hội cần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ. Tức là thượng tôn hiến pháp và pháp luật trong cả xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật.

Ảnh tác giả

Cần tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp

GS. TS Trần Ngọc Đường

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Quốc hội Quốc hội phải rất khó tính trong việc thông qua luật, càng “khó tính” cắt giảm quy phạm bao nhiêu thì đất nước càng phát triển. Nếu phải xin phép khắp nơi, phải tuân thủ khắp nơi thì sẽ bó chặt, hạn chế sự phát triển. Trong thực thi pháp luật cần phân biệt giữa hành pháp và hành chính công vụ.

"Chúng ta sẽ không thực thi pháp luật tốt được nếu để lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.

GS,TS Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam

GS,TS Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam

GS.TS. Võ Khánh Vinh đề nghị 3 khâu đột phá quan trọng. Đó là: Đột phá về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật; đột phá phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao.

Từ những phân tích trong việc ban hành pháp luật đến công tác thực thi pháp luật, Giáo sư Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị 3 khâu đột phá quan trọng đó là nâng cao chất lượng phát triển pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật và đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao.

“Tôi đề nghị đột phá thứ hai là xây dựng hoàn thiện các thiết chế thi hành pháp luật. Hệ thống pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ nhưng thiết chế năng lực, khả năng, trình độ tổ chức thi hành còn rất hẫng hụt,” Giáo sư Võ Khánh Vinh nói.

GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh tới yêu cầu công khai, minh bạch cả trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nhắc lại đánh giá tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, rằng hệ thống pháp luật còn rườm rà, cồng kềnh, hiệu lực còn thấp, ông Phan Trung Lý đề nghị làm gọn lại hệ thống pháp luật, đúng với tính chất pháp luật, không phân biệt pháp luật Trung ương với pháp luật địa phương.

Từ đó, GS.TS. Phan Trung Lý đề nghị đưa nghị quyết liên tịch ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết liên tịch chỉ nên là văn bản phối hợp, không nên đưa quy định vào thành văn bản quy phạm pháp luật vì trách nhiệm không rõ ràng. Cùng với đó cần tiến tới bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, các đại biểu đề nghị trong chuyên đề, bên cạnh việc phân tích cần đưa ra được định hướng, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật, như thiếu sự kiểm soát khi ủy quyền lập pháp dẫn đến tình trạng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật lại có những nội dung khác luật, vượt quá phạm vi luật cho phép hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể, thậm chí trái luật, cùng với đó là việc chậm trễ về tiến độ ban hành dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống, nhiều văn bản thiếu sự thống nhất...

Ảnh tác giả

Quốc hội càng “khó tính” cắt giảm quy phạm, thì đất nước càng phát triển. Nếu phải xin phép khắp nơi, phải tuân thủ khắp nơi thì sẽ bó chặt, hạn chế sự phát triển. Trong thực thi pháp luật cần phân biệt giữa hành pháp và hành chính công vụ.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các chuyên gia tiếp tục đồng hành, đóng góp, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ góp phần xây dựng thành công các chuyên đề này cũng như trong các hoạt động của Quốc hội nói chung.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, nhiều chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, đây là một đề tài rất khó. Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở được rất nhiều vấn đề và Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, giúp cho việc xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đạt chất lượng tốt nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp