Tương lai 'sáng' của cổ phiếu điện từ triển vọng ngành năm 2022

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:18 - 05/01/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Dựa trên kịch bản GDP 2022 tăng 6,5%, giới phân tích cho rằng sản lượng tiêu thụ điện năm tới sẽ tăng trưởng 9%. Lợi nhuận của các công ty trong ngành cũng được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.

Nhiều dự án lớn vận hành trong năm 2021

Theo Tổng cục thống kê và EVN, GDP quý 3 năm 2021 giảm 6,17% kéo theo tiêu thụ điện sụt giảm 10,53% so với quý 2 và giảm 4,14% so với cùng kỳ. Riêng phía Nam sụt giảm 23,41% so với quý 2 và giảm 13,59% so với cùng kỳ. Mặc dù chưa có báo cáo quý 4 và cả năm nhưng giới phân tích nhận định, trong khoảng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng mạnh do yếu tố thời tiết và các ưu tiên trong chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi kiểm soát được Covid-19.

Các dự án năng lượng tái tạo gần đây phát triển mạnh chủ yếu tại khu vực miền Trung và Miền Nam với đặc điểm phù hợp về điều kiện tự nhiên. Cụ thể, đến năm 2021, miền Trung phát triển khoảng gần 9GW năng lượng tái tạo và miền Nam có công suất đặt lên tới gần 12 GW.

Công suất đặt ở miền Bắc tăng trưởng rất chậm trong giai đoạn 2015 với CAGR đạt 3,8% do phát triển nhanh các dự án điện than từ 2014 trở về trước. Hiện tại công suất vẫn đủ đáp ứng cho phụ tải điện nhưng nếu không phát triển thêm các dự án mới sẽ xảy ra hiện tượng thiếu điện cục bộ từ 2022 trở đi.

Nhiệt điện Sông Hậu 1 chính thức phát điện từ ngày 27/11/2021.

Nhiệt điện Sông Hậu 1 chính thức phát điện từ ngày 27/11/2021.

Trong năm 2021 có 03 dự án nhiệt điện lớn đã đi vào hoạt động một phần như Nhiệt điện Duyên Hải 2, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1. Dự kiến năm 2022 các dự án này sẽ phát điện toàn bộ các tổ máy. Tổng công suất của ba nhà máy này lên tới 3.720 MW.

Ngoài ra, một số dự án thủy điện lớn như Thượng Kon Tum (220 MW – Thuộc VSH), Dak Mil 2 (147 MW) và Sông Tranh 4 (48 MW) cùng thuộc HDG, Đa Nhim mở rộng (80MW – thuộc DNH)…. cũng đã vận hành chính thức.

Các dự án điện gió đi vào hoạt động chủ yếu ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bạc Liêu, Gia Lai, Đắk Lắk. Đặc biệt có dự án điện gió Ea Nam của Trung Nam đi vào hoạt động toàn bộ dự án với tổng công suất COD trước ngày 1/1/2021 lên tới 399,6 MW là dự án điện gió lớn nhất cả nước.

Tổng cộng có 84 nhà máy điện gió đã COD với tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành trước ngày 1/11/2021 hưởng giá FIT ưu đãi. Có 04 dự án với tổng công suất 178 MW đã hoàn thành đấu nối nhưng không kịp hoàn thành thử nghiệm COD. Còn 62 dự án đã ký hợp đồng bán điện nhưng chưa hoàn thành/chưa triển khai.

La Nina yếu hơn và muộn hơn đẩy vùng mưa vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ nên các doanh nghiệp nhiệt điện phía Bắc phải tăng huy động ngay từ quý 4 năm 2021 do lượng nước tích trữ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Theo EVN, tới tháng 11, lượng nước tích trữ tại các thủy điện Sơn La, Hòa Bình chỉ đat khoảng 67% dung tích hữu ích, thiếu hụt khoảng 4,19 tỷ m3 . Hồ Hòa Bình thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 10,38m.

Nhiệt điện khí tiếp tục bị cạnh tranh

Xác suất El Nino quay lại từ tháng 8/2022 lên tới 35% khiến cho khả năng tích lũy nước của các thủy điện nhất là miền Bắc và miền Trung giảm sút và sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu huy động điện trong giai đoạn 2022 – 2023. Khả năng các nhà máy nhiệt điện tiếp tục sẽ được tăng cường huy động trong khoảng thời gian này.

Nhiệt điện khí tiếp tục bị cạnh tranh mạnh bởi các nguồn điện mới như năng lượng tái tạo và các công trình nhiệt điện lớn hoạt động. Theo đó, nhiệt điện khí nằm hoàn toàn ở vùng Phía Nam, nơi các nguồn điện bổ sung mới tăng liên tục, đặc biệt là năng lượng tái tạo kéo dài từ khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào đến Cà Mau. Công suất đặt trong giai đoạn 2017 – 2021 của khu vực miền Trung và miền Nam đạt CAGR lần lượt 20,6% và 13,7%.

Trên thực tế, sự cạnh tranh đã xảy ra trong năm 2021 khiến tỷ trọng sản lượng điện khí giảm từ 15% - 20% còn chỉ khoảng 10% trong tổng sản lượng điện trong 11 tháng 2021.

Đó là những dự báo ngắn hạn, còn về dài hạn, điện than sẽ gặp khó khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn. Theo Dự thảo Quy hoạc Điện VIII, còn khoảng gần 30 GW điện than sẽ phát triển từ giờ đến năm 2035. Trong số này mới có khoảng 15 GW là đã dự kiến có kế hoạch thu xếp vốn, còn khoảng 15 GW. Các tổ chức tài chính quốc tế hiện đang theo đuổi chính sách tín dụng xanh.

Ngoài ra, các dự án mới đều phải dùng nguồn than nhập khẩu với tỷ lệ phát thải CO2 cao nên có khả năng nhiều dự án sẽ bị hủy bỏ hoặc chuyển đổi sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và phải đầu tư lớn các máy móc phục vụ việc thay đổi.

Ngoài ra, cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 tại hội nghị COP26 cũng sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào LNG và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Theo IEA, ngành điện chính là ngành phát thải CO2 nhiều nhất với hơn 50%, và 40% trong số đó đến từ nhiệt điện than. Để đạt được mục tiêu “Net Zero năm 2050” , dự kiến tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo lên 88% - 95% trong giai đoạn 2040 – 2050.

Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực tiềm năng trong thời gian tới.

Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực tiềm năng trong thời gian tới.

Tại nước ta, quy hoạch điện 8 cũng đề cao vai trò của năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời) với 40% công suất nguồn năm 2030 và 43% năm 2045. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi với tốc độ gió cao và hiệu số công suất cao 35 – 40% gần tương đương với thủy điện sẽ là một trong những lĩnh vực rất có tiềm năng trong thời gian tới.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9-10 m trên giây. Trong Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam hồi tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch điện VIII, và dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, nâng lên khoảng 40.000 MW vào năm 2045.

Hiện nay có một số dự án điện gió ngoài khơi đã được cấp chứng nhận đầu tư như Thăng Long Wind với tổng công suất 400 MW trên tổng 3.400 MW hay Phú Cường Sóc Trăng được cấp chứng nhận đầu tư cho 200 MW đầu tiên của tổng 1.400 MW. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát như La Gàn (3.500 MW), Hải Phòng (3.900 MW). Mới đây, một doanh nghiệp lớn ngành dầu khí cũng chính thức lấn sân sang lĩnh vực này. Đó là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS).

Triển vọng cổ phiếu ngành

Trước tình hình trên, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, ngành điện sẽ tiếp tục phân hóa, các doanh nghiệp có triển vọng với đặc điểm: Về ngắn hạn là các công ty tận dụng được chu kỳ La Nina, El Nino, các công ty vận hành kịp thời các dự án điện gió trong năm 2021. Về dài hạn là các công ty phát triển dự án, thầu xây lắp cho các dự án điện LNG, NLLT và đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, VCBS lựa chọn cổ phiếu QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) và HND (Nhiệt điện Hải Phòng) trong năm 2022 với kỳ vọng tăng cường huy động công suất các nhà máy nhiệt điện phía Bắc do thiếu hụt điện năng trong năm 2022. QTP đã tiến hành trả cổ tức lần đầu với 2% năm 2020 và tăng lên 10% năm 2021 và sẵn sàng nguồn lực để có thể trả cổ tức 15% - 20% trong thời gian tới sau khi hết nợ vay (dự kiến trong năm 2023) và khấu hao.

Còn HND có 2 yếu tố giúp gia tăng lợi nhuận cho các năm tiếp theo và cải thiện dòng tiền để tiếp tục duy trì khả năng trả cổ tức cao trong tương lai. Đó là Tổ máy 1&2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021 và sắp hết nợ vay từ năm 2024.

Diễn biến giá cổ phiếu QTP thời gian qua.

Diễn biến giá cổ phiếu QTP thời gian qua.

Bộ phận phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) cũng đưa ra nhận xét nhóm cổ phiếu ngành điện có mức định giá khá hấp dẫn so với thị trường nhờ tình hình tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn, phù hợp để nắm giữ dài hạn. Agriseco Research cũng khuyến nghị QTP; thêm nữa là cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và REE của CTCP Cơ Điện Lạnh.

Trong đó POW được đánh giá là dòng tiền lớn, kết quả kinh doanh 2022 hứa hẹn khả quan khi điện than và khí đang chiếm trên 90% tổng công suất hiện tại. Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng PPA với EVN trong tháng 12/2021 đã chính thức đưa hai nhà máy nhiệt điện Cà Mau (1.500 MW) tham gia thị trường, giúp thu hồi được khoản giữ lại trị giá hơn 800 tỷ. Thực tế những tháng cuối năm 2021, dù báo cáo doanh thu quý 4 giảm sút nhưng cổ phiếu POW vẫn liên tục tăng trần.

Còn REE định hướng đầu tư tập trung vào vào mảng điện gió, hiện đã sở hữu 126MW điện gió và 86 MW ĐMT áp mái và được hưởng mức giá phát điện ưu đãi. Với mảng thủy điện, Agriseco Research dự báo nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) của REE sẽ đạt được đàm phán lại giá PPA với EVN trong 2022, đưa mức giá theo hợp đồng từ 1.016 lên 1.316 Đồng/kWh trong 10 năm.

Chứng khoán SSI nhận định, tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022 và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Tuy nhiên sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận giữa nhóm công ty điện than và công ty điện khí. SSI ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022.

Phân tích cụ thể về các doanh nghiệp, SSI cũng đánh giá QTP dự báo lợi nhuận hồi phục, định giá hấp dẫn. SSI kỳ vọng, QTP trong năm 2022 sẽ chứng kiến sự hồi phục về sản lượng phát điện (+12% YoY), doanh thu (+24,2%) và lợi nhuận sau thuế (+27,6% YoY).

HND là mã thứ 2 được SSI khuyến nghị với dự báo khả năng hồi phục lợi nhuận 2022, tuy nhiên tiềm năng tăng giá còn thấp.

Ngoài ra, SSI còn khuyến nghị NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 với nhận định công ty không nợ vay, lợi nhuận kỳ vọng đi ngang trong năm 2022, tỷ suất cổ tức cao là yếu tố hỗ trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.