Vì sao ngành thép, chứng khoán, bán lẻ được kỳ vọng nửa cuối năm?

HPG MWG
12:08 - 18/07/2023
Cửa hàng bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh của MWG.
Cửa hàng bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh của MWG.
0:00 / 0:00
0:00
Những nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu cho kịch bản hồi phục mạnh mẽ hơn, khi nhiều nhóm ngành có thể sẽ ghi nhận mức đáy lợi nhuận trong quý 1/2023 và sẽ diễn biến tích cực hơn trong cả năm 2024.

Đó là nhận định của Chứng khoán Everest (EVS) trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2023 vừa công bố.

Theo EVS, sự tích cực của thị trường thời gian qua là nhờ dòng tiền mới tham gia, cho thấy tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy kinh tế của Chính phủ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn do đây là nhóm chịu tác động mạnh trong giai đoạn điều chỉnh hồi cuối năm 2022. Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chưa ghi nhận mức độ chiết khấu giá quá nhiều nên chưa nhận được phản ứng tích cực.

Hiện thị trường đang có sự hồi phục tốt và giao dịch tại mức định giá P/E 13,2 lần, nằm ở dưới mức trung bình 10 năm (14,8 lần). EVS kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục trong nửa cuối 2023 với mức định giá mục tiêu là mức trung bình 10 năm qua; song chỉ số P/E có thể tăng trong thời gian tới do suy giảm về lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 2/2023.

EVS dự báo kết quả kinh doanh trong nửa cuối 2023 sẽ có sự cải thiện, các nhóm ngành tiêu biểu bao gồm: Bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng, thép, thủy sản (phần lớn do mức nền thấp của nửa cuối năm 2022); cạnh đó là một số công ty hoạt động trong lĩnh vực điện.

“Tăng trưởng cả năm 2023 sẽ chưa quá đột phá do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu khiến ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua. Song sau những nhịp điều chỉnh vừa qua, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu cho kịch bản hồi phục mạnh mẽ hơn vào năm 2024 khi nhiều nhóm ngành có thể đã ghi nhận mức đáy lợi nhuận trong quý 1/2023”, EVS nhận định.

P/E của VN-Index trong vòng 10 năm.
P/E của VN-Index trong vòng 10 năm.

EVS dự báo trong nửa cuối 2023, VN-Index có thể sẽ dao động quanh vùng 1.100-1.180 điểm; đồng thời đưa ra 3 nhóm ngành quan tâm với kỳ vọng lợi nhuận phục hồi mạnh.

Ngành thép kỳ vọng tạo đáy nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại. EVS cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua và các dấu hiệu phục hồi đang xuất hiện. Về phía cung, sau giai đoạn tăng mạnh do chiến tranh Nga-Ukraine, giá than cốc và quặng sắt đã giảm lần lượt 63% và 48% từ đỉnh của năm 2022. Về phía cầu, sản lượng cũng bắt đầu hồi phục.

Cuối năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất thép lớn như Hòa Phát, Pomina, VNSteel đưa ra các thông báo đóng cửa các nhà máy và lò cao. Đến hiện tại, HPG đã cho hoạt động trở lại 3/4 lò cao. Lò cuối cùng dự kiến sẽ mở lại trong quý 3/2023.

EVS ưu tiên lựa chọn HPG, tuy nhiên lưu ý định giá của HPG không còn rẻ. Đối với NKG, HSG và các cổ phiếu thương mại thép, EVS đánh giá thường có biên lợi nhuận thấp, lợi nhuận chịu hưởng lớn bởi giá tôn. Đến thời điểm hiện tại, giá tôn trong nước vẫn đang trong xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Sản lượng tiêu thụ thép HPG.
Sản lượng tiêu thụ thép HPG.

Ngành chứng khoán hưởng lợi nhờ thanh khoản cải thiện. Theo EVS, đối với các doanh nghiệp trong ngành này, doanh thu đến từ mảng môi giới và cho vay margin luôn duy trì tỷ trọng từ 40% đến 75%. Vì vậy, trong giai đoạn thanh khoản cải thiện, các công ty chứng khoán luôn là nhóm được hưởng lợi.

Với việc 4 lần hạ lãi suất của NHNN, một lượng tiền đã tìm đến các kênh tài sản khác, bao gồm chứng khoán. Thanh khoản trung bình quý 2/2023 trên sàn HoSE tăng 35% so với quý trước. Với lãi suất được duy trì ở mức thấp, thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Mặc dù định giá các công ty chứng khoán không còn quá rẻ nhưng EVS cho rằng việc giải ngân vẫn khả thi ở giai đoạn hiện tại, với các cổ phiếu được ưu tiên là SSI, VND, VCI.

Đóng góp doanh thu từ môi giới và margin trong tổng doanh thu các công ty chứng khoán.
Đóng góp doanh thu từ môi giới và margin trong tổng doanh thu các công ty chứng khoán.

Ngành bán lẻ kỳ vọng phục hồi nhờ các chính sách vĩ mô. Với chính sách tiền tệ, việc giảm lãi suất trong thời gian qua sẽ hỗ trợ về vay tiêu dùng, từng có lúc chiếm 35% doanh thu của MWG. Trong giai đoạn lãi suất cao và kinh tế khó khăn, người dân hạn chế mua trả góp các mặt hàng điện thoại, điện máy… Tuy nhiên, lãi suất giảm và kinh tế ổn định hơn sẽ giúp kích thích vay tiêu dùng trở lại.

Với chính sách tài khóa, việc giảm thuế VAT 2% kể từ ngày 1/7- 31/12/2023 đối với các mặt hàng thiết yếu sẽ kích cầu mua sắm.

EVS ưu tiên lựa chọn MWG, FRT, DGW là các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ chính sách. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp này giảm mạnh trong thời gian qua sẽ tạo ra động lực tăng giá cổ phiếu.

Riêng với MWG, doanh thu/cửa hàng của chuỗi Bách Hóa Xanh bắt đầu cải thiện là tín hiệu tích cực. “Chúng tôi vẫn bỏ ngỏ khả năng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ hoàn thành việc bán 20% cổ phần trong năm nay và sẽ cập nhật nếu có thêm thông tin. Chúng tôi không lựa chọn PNJ do định giá duy trì ở mức cao và không được hưởng lợi từ chính sách VAT”, EVS nêu quan điểm.

Doanh thu trung bình/ mỗi cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh (tỷ đồng).
Doanh thu trung bình/ mỗi cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh (tỷ đồng).

Tin liên quan

Đọc tiếp