VIC đảo chiều sau khi tăng hơn 40%, CEO tím trần hai phiên liên tiếp

VIC CEO
16:17 - 15/08/2023
Giao dịch sàn HoSE phiên 15/8.
Giao dịch sàn HoSE phiên 15/8.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu với thanh khoản sụt giảm. Một số mã bất động sản nhỏ vẫn thu hút dòng tiền, điển hình là CEO tăng trần hai phiên liên tiếp.

Kết phiên 15/8, chỉ số sàn HoSE giảm gần 3 điểm so với kết phiên hôm qua. Ngược lại, HNX-Index vẫn tăng hơn 1 điểm và UPCoM tăng 0,03 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 22.500 tỷ đồng, sụt giảm đáng kể so với những phiên giao dịch tỷ USD gần đây.

Khối ngoại giao dịch hơn 2.600 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE. 4 mã bluechip bị bán ròng mạnh nhất là VPB (132 tỷ đồng), VIC (108 tỷ đồng), MSN (85 tỷ đồng), BCM (73 tỷ đồng). Danh sách bán ròng còn có SSI, VCB, HPG, MWG, HDG, BVH...

Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất CTG với giá trị 78 tỷ đồng. HSG cũng được mua ròng hơn 60 tỷ đồng. DIG được mua ròng hơn 42 tỷ đồng; VCG và NVL hơn 17 tỷ đồng; VRE gần 25 tỷ đồng.

Diễn biến giằng co hôm nay chủ yếu do nhóm cổ phiếu lớn ít biến động. Tại rổ VN30, số mã giảm và số mã tăng gần như tương đương nhau. Chiều tăng mạnh nhất là VRE +3,3%. VJC, TPB, FPT tăng gần 2%. BVH, CTG, MSN, POW, TCB, VHM, VPB cũng ở chiều tăng nhưng biên độ chỉ dao động trên dưới 1%.

Chiều giảm, VIC tạo gánh nặng lớn nhất cho thị trường khi mất 3,5% giá trị, khớp lệnh 14,7 triệu đơn vị. Diễn biến này khá bất ngờ khi hôm nay, VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - sự kiện tác động tích cực đến đà tăng của cổ phiếu Vingroup thời gian gần đây. Tuy nhiên sau chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp hơn 40%, việc VIC đối mặt với áp lực chốt lời cũng là điều dễ hiểu.

SSI, BID, STB cũng giảm hơn 1%. Các mã bluechip còn lại điều chỉnh không đáng kể.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn giao dịch trầm lắng thì dòng tiền ưu ái nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hơn, đặc biệt là các mã thuộc nhóm bất động sản. CEO, DRH, ITA, API, L14 đều tăng trần từ sớm.

CEO khớp lệnh đột biến với gần 28,5 triệu đơn vị được sang tay. Đây là phiên thứ hai liên tiếp, cổ phiếu bất động sản này tăng hết biên độ, vươn lên mức giá 23.400 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 8/2022.

CEO Group đang triển khai chào bán 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian nhận đăng ký mua là từ ngày 28/7 – 31/8.

Tổng giá trị huy động từ các đợt phát hành là 2.573 tỷ đồng sẽ được công ty sử dụng để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Cổ phiếu L14 cũng tăng hết biên độ phiên thứ hai liên tiếp, lên mức giá 57.200 đồng, sau thông tin công ty mua hàng loạt cổ phiếu NVL, DIG, PDR, ITA trong báo cáo tài chính bán niên 2023, với khối lượng từ 0,5 đến 1 triệu đơn vị.

Ngoài các mã tăng trần trên, một số cổ phiếu bất động sản cũng tăng tốt như VRE, HQC +3,3%, IDJ +7,9%, TIG +3,2%, CKG +3,2%... Tuy nhiên vốn hoá toàn nhóm vẫn sụt giảm do VIC và nhiều cổ phiếu lớn giảm giá, gồm NVL, DIG, TCH, NLG, BCG, PDR, HDC...

Các nhóm trụ cột của thị trường là chứng khoán, ngân hàng, thép cũng đều ở chiều giảm, nhưng tỷ lệ điều chỉnh không lớn do các cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Tại nhóm chứng khoán, SSI, VND, VCI, HCM, SHS đều giảm giá nhưng đều chưa đến 2%. VIX tăng nhẹ 0,8%.

Nhóm ngân hàng chỉ có 2 mã nhỏ tăng hơn 2% là SGB và VBB. Chiều giảm mạnh nhất cũng chỉ hơn 2%, ghi nhận ở 3 mã MSB, NVB, OCB.

Các nhóm tăng vốn hoá hôm nay chủ yếu là các nhóm nhỏ như công nghệ thông tin, hoá chất, bán lẻ, thuỷ sản, hoá chất... Tuy nhiên cũng không có nhiều mã đáng chú ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp