Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa 'cất cánh' thành quốc gia phát triển

KINH TẾ Việt nAM
22:59 - 05/10/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
TS Vũ Minh Khương khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế việt Nam vượt những cơn gió ngược” do CTTĐT Chính phủ tổ chức chiều 5/10, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, GDP quý 3/2023 đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và bù cho kết quả các quý trước, giúp tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, khá cao so với các nước khác.

Theo ông Phương, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước cho thấy Việt Nam đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay. Kết quả này có đóng góp quan trọng từ cách chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến trong nước.

Thứ trưởng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6% thì quý 4 cần tăng 10,6%. Việt Nam đã chứng kiến con số tăng trưởng 10% trong quý 3/2022 so với nền âm của năm 2021. Tuy nhiên, thách thức của năm nay là nền tăng trưởng quý 4/2022 khá cao. Mục tiêu 10,6% cho quý 4 thực sự là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung.

“Tăng trưởng quý 4 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, khi ngành xuất khẩu lớn của chúng ta là sản phẩm điện tử. Nếu có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực thì chúng ta có thêm động lực quan trọng”, ông Phương nói.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, dự báo gần đây của ADB cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.

Đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ nhằm cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, chuyên gia ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng năm nay kể cả không đạt được 5,8% hay 6%, chỉ ở 5,6-5,7% thì cũng là nền tảng tốt, tích cực để Việt Nam tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương (phải) và ông Shantanu Chakraborty tại hội thảo. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Trần Quốc Phương (phải) và ông Shantanu Chakraborty tại hội thảo. Ảnh: VGP

Để theo đuổi mục tiêu GDP 6%, ông Shantanu Chakraborty cho rằng rất cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ, phải tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Dù giải ngân đầu tư công hiện được 51% là mức khá cao nhưng vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đặt ra. “Lạm phát, tỷ giá đang được kiểm soát, Chính phủ đang có dư địa rất lớn đối với chính sách tài khóa, chính sách tín dụng. Do vậy cần phải phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tín dụng để bảo đảm có nguồn tiền hiệu quả hơn đưa vào nền kinh tế”, chuyên gia ADB nêu ý kiến.

Đối với tính bền vững về trung và dài hạn, ông Shantanu Chakraborty đánh giá việc xanh hóa nền kinh tế tập trung nhiều vào thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng; phải bảo đảm giá trị đồng tiền đầu tư và tập trung vào tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, xanh hóa nền kinh tế. Có thể không đem lại lợi ích tức thời trong 3 tháng tới nhưng về lâu dài sẽ giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Ba điểm để Việt Nam "cất cánh"

Theo TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, Đại hội Đảng năm 2021 là một thành công hết sức rực rỡ, mở ra khả năng Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Trong vòng 2 năm qua, niềm tin này tăng lên rất mạnh mẽ, cả bên ngoài và trong nội bộ. “Các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn mà tôi làm việc đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai”, ông nói.

Trong vấn đề đơn giản như xuất khẩu gạo, TS Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam rất bản lĩnh, được thế giới khen ngợi. “Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới. Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm. Đây là bản lĩnh của Chính phủ trong thời gian vừa rồi”, vị chuyên gia đánh giá.

Cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh. Quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12-15 năm tới... Mọi người họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. TS Vũ Minh Khương

Theo vị Tiến sĩ dẫn ví dụ, trong bối cảnh tàu gặp bão trên biển, nếu chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm. Một là thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình hay không. “Cái này tôi thấy các địa phương và các doanh nghiệp có đồng lòng, đồng hành rất tốt”, ông nói.

Thứ hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không. “Cái này tôi thấy cũng rất tốt”, ông đánh giá. Thứ ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình. “Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế”, vị chuyên gia nhận định.

“Rõ ràng chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới”, TS Vũ Minh Khương khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.