Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên như 'con cá lớn nằm trong ao nhỏ'

CHỨNG KHOÁN VINACAPITAL
12:07 - 10/10/2023
Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCaptial.
Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCaptial.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định của ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCaptial tại Hội thảo Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết, tổ chức sáng 10/10.

Hiện trên thế giới có một số tổ chức xếp hạng thị trường lớn như FTSE Russell, MSCI, S&P, và Dow Jones mà các quỹ đầu tư lớn đều sử dụng chỉ số của các tổ chức này để làm tham chiếu đầu tư gián tiếp vào TTCK thế giới. Hàng năm, những tổ chức này cung cấp việc xếp hạng các thị trường tài chính toàn cầu với mục đích đánh giá sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu của các quốc gia cho các nhà đầu tư tham khảo.

Thị trường vốn của các quốc gia được phân theo 04 nhóm gồm: Nhóm Thị trường Phát triển (Developed Markets), có độ mở lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN); Nhóm Thị trường Mới nổi (Emerging Markets); Nhóm Thị trường Cận biên (Frontier Markets); Nhóm các Thị trường Không đủ điều kiện để được phân loại (về phát triển kinh tế, quy mô và tính thanh khoản, và khả năng tiếp cận thị trường).

Phát biểu tại hội thảo do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, ông Đặng Hồng Quang nhận định, TTCK Việt Nam hiện tại vì nhiều lý do vẫn được MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên.

“Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như một con cá lớn nằm trong ao nhỏ, do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Các nước xếp ngay sau Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%”, đại diện của VinaCapital cho biết.

Việc nâng hạng TTCK Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Vina Capital ước tính trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt từ 5 - 8 tỷ USD.

Thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường

Theo ông Đặng Hồng Quang, Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Quang kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với pre-funding, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding.

Tại hội thảo, ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhận định, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên Thị trường Mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo

Tiến sỹ Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo

Liên quan về các điều kiện và giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, TTCK Việt Nam có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI. Ông cũng nhấn mạnh sức ép cải cách mà thị trường đang phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến các quy định liên quan đến tính công khai và minh bạch.

Theo ông Lực, với cấp độ FTSE, TTCK đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán.

Để giải quyết được điều này, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót. Bên cạnh đó, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt.

Ngoài ra, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, CTCK được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp không thể thanh toán.

Đối với MSCI, TS Cấn Văn Lực nhận định TTCK còn thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.

Về vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, vị chuyên gia cho rằng cần tư vấn, rà soát các lĩnh vực cần và không cần kiểm soát. “Theo tôi, chúng ta cần rà soát Quyết định 155 và một số quyết định khác. Ngoài ra, về tự do dòng chuyển vốn và giao dịch ngoại hối, đây là yếu tố vô cùng quan trọng với thị trường tài chính quốc tế”, TS Cấn Văn Lực nhận định.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.