Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế

Hợp Tác Lào
21:23 - 05/04/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 5/4, sau khi bế mạc Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Cuộc làm việc nhằm rà soát, đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc triển khai các hoạt động hợp tác song phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị hai nước và thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, đồng thời thống nhất các cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác cho đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Lào tổ chức thành công Hội nghị Uỷ hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Lào trong khu vực.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cảm ơn Thủ tướng đã tham dự và đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao; cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam dành cho Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.

Hai Thủ tướng vui mừng và đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian qua.

Hai bên trao đổi nhiều đoàn trên tất cả các cấp, các kênh; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; tổ chức thành công hàng trăm hoạt động ý nghĩa trong "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022" ở cả hai nước.

Đặc biệt, hợp tác thương mại là điểm sáng với tổng kim ngạch song phương cả năm 2022 đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2021, vượt mục tiêu đã đề ra (tăng trưởng 10 - 15%).

Hai bên nhất trí nỗ lực triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt - Lào giai đoạn 2021 - 2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt - Lào 2021 - 2023 và các thỏa thuận cấp cao, kế hoạch hợp tác đã ký trên các lĩnh vực.

Tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh để không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; tăng cường phối hợp phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế. Ảnh: VGP

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế. Ảnh: VGP

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng và hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp, đổi mới cách thức triển khai các dự án viện trợ, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, làm tốt khâu chuẩn bị dự án, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc… để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các dự án.

Quyết tâm tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm một số tồn đọng và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3; sân bay Nong Khang ; các dự án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng Đông-Tây… Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng… cho các doanh nghiệp, dự án của Việt Nam tại Lào.

Nhằm triển khai có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận hai nước trong năm 2023, hai Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban hợp tác hai nước, các bộ, ngành liên quan thường xuyên đôn đốc tiến độ triển khai các nhiệm vụ đã giao, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu mà hai Bộ Chính trị đã giao hai Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA vào năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.