Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống đậu mùa khỉ

VACCINE đậu mùa khỉ
11:01 - 11/08/2022
Lọ mô phỏng vaccine ngăn ngừa đậu mùa khỉ, ngày 22/5. Ảnh: Reuters
Lọ mô phỏng vaccine ngăn ngừa đậu mùa khỉ, ngày 22/5. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 10/8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Thông báo trên được đưa ra trong tình hình đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tổ chức tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang khuyến cáo sử dụng các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid cho phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.

Vì vậy, để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới,

Theo đó, các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc trên nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc. Đồng thời rà soát nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước để có kế hoạch cung ứng đầy đủ, tránh tình trạng thiếu hụt.

Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thêm thông tin, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở liên hệ phòng Quản lý kinh doanh Dược, Cục Quản lý Dược để được hướng dẫn.

Trước đó, ngày 23/7, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Đậu mùa khỉ là bệnh có thể lây từ động vật sang người, từ người qua người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh của căn bệnh này tương đối dài, thông thường từ 6 - 13 ngày, tuy nhiên, có thể dao động từ 5 – 21 ngày. Tùy từng giai đoạn mà biểu hiện của bệnh khác nhau, nhưng các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị người bệnh mắc đậu mùa khỉ.

Kết quả một số nghiên cứu trước đây tại châu Phi cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ giống với bệnh đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng virus bệnh đậu mùa để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Tin liên quan

Đọc tiếp