Mỹ tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp quốc gia

Dịch bệnh MỸ
15:29 - 05/08/2022
Trụ sở của CDC Mỹ tại Atlanta, Georgia, Mỹ. Ảnh: Reuters
Trụ sở của CDC Mỹ tại Atlanta, Georgia, Mỹ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Do đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại Mỹ đã phát triển thành điểm dịch lớn nhất trên thế giới, các quan chức y tế của nước này hôm 4/8 đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Khi trả lời các phóng viên, ông Xavier Becerra - Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh - cho biết: “Căn cứ vào tất cả những diễn biến này và tình hình đang diễn biến trên thực địa, tôi muốn đưa ra thông báo hôm nay rằng tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng".

Tuyên bố khẩn cấp của ông Becerra do đó sẽ giúp huy động thêm nguồn lực để chống lại đợt bùng phát này kể từ trường hợp đầu tiên ở Mỹ vào tháng 5. Theo CNBC, lần cuối cùng Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là để phản ứng với Covid-19 vào tháng 1/2020.

Hiện Mỹ đã xác nhận hơn 6.600 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 48 tiểu bang gồm Washington, D.C. và Puerto Rico tính đến 4/8, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC. Tâm dịch đang bao gồm New York, California, Illinois, Florida, Georgia, Texas và D.C với các bang New York, Illinois và California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước khi có tuyên bố liên bang.

Mặt khác theo các quan chức y tế công cộng, những người đồng tính và song tính nam có nguy cơ lây nhiễm cao nhất hiện nay. Khoảng 98% bệnh nhân cung cấp thông tin nhân khẩu học cho các phòng khám được xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới theo CDC. Tuy nhiên bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus nếu tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh hoặc đồ vật bị lây nhiễm.

Vào tháng 7 trước đó, WHO cũng đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này. Bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở Mỹ cho đến nay. Trên thế giới mới chỉ ghi nhận 8 ca tử vong trong đợt bùng phát hiện nay, chủ yếu ở châu Phi. Tây Ban Nha và Brazil là 2 nước đầu tiên ngoài châu Phi đã báo cáo những trường hợp tử vong hồi cuối tuần qua.

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm và sau đó tiến triển thành phát ban đau đớn có thể lan rộng khắp cơ thể. Bệnh nhân thường hồi phục sau 2 đến 4 tuần mà không cần điều trị y tế thêm, nhưng đã có trường hợp một số người phải nhập viện vì phát ban quá đau đớn.

Tuy tiếp xúc cơ thể khi quan hệ là phương thức lây truyền chính hiện nay, mọi người vẫn hoàn toàn có nguy cơ nhiễm bệnh thông qua các động tác thân mật hàng ngày như ôm, hôn hay thông qua các vật dụng như khăn tắm và ga trải giường. Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan qua các giọt đường hô hấp khi người ta có tổn thương trong miệng, nhưng điều này đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và lâu dài.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể tự khỏi sau nửa tháng tới 1 tháng nhưng đã có những trường hợp phải nhập viện vì phát ban quá đau đớn. Ảnh: iStock

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể tự khỏi sau nửa tháng tới 1 tháng nhưng đã có những trường hợp phải nhập viện vì phát ban quá đau đớn. Ảnh: iStock

Các quan chức y tế công cộng vì vậy đang lo ngại rằng virus có thể bắt đầu lây lan nhiều hơn trong các hộ gia đình khi số ca nhiễm gia tăng. Tháng trước, CDC đã xác nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em đầu tiên tại Mỹ. Trong 2 ca nhiễm này, một là trẻ mới biết đi ở California và một là trẻ sơ sinh có gia đình đi du lịch ở D.C.

Các nhà khoa học cũng đang lo lắng rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể lưu hành vĩnh viễn tại đây nếu cơ quan chức năng không hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn sự bùng phát. Khi bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở Mỹ, virus có thể được hình thành trong các quần thể động vật, dẫn tới việc loại trừ nó hoàn toàn khỏi đất nước gặp phải càng nhiều khó khăn.

Nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp, chính phủ liên bang đã chuyển hơn 600.000 liều vaccine đậu mùa khỉ Jynneos cho các sở y tế của tiểu bang và thành phố kể từ tháng 5. Tuy nhiên tới tháng 7, nhu cầu cho vaccine đang vượt quá nguồn cung, dẫn tới hàng dài xếp hàng bên ngoài các phòng khám và một số cuộc biểu tình tại một số thành phố.

Trong bối cảnh đó, cơ quan y tế liên bang Mỹ đã cung cấp 786.000 liều cho chính quyền địa phương từ cuối tuần trước, để giúp giảm bớt các áp lực về nguồn cung. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đặt hàng hơn 5 triệu liều bổ sung với thời gian giao hàng dự kiến đến giữa năm 2023. 11,1 triệu liều khác đang được lưu kho số lượng lớn ở Đan Mạch từ sản xuất Bavarian Nordic nhưng sẽ cần tới sự tài trợ của Quốc hội.

Đọc tiếp