VietBank báo lãi quý 1/2023 tăng 74%, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:31 - 25/04/2023
VietBank báo lãi quý 1/2023 tăng 74%, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù VietBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý 1 tăng tới 74% so với cùng kỳ, nhưng chất lượng nợ vay, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 4,31%.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - Mã: VBB) ghi nhận nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 479 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Mảng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng ghi nhận tăng tới 72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh còn lại của VietBank không ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 13% về 21,6 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 89%, lãi từ hoạt động khác giảm 39%.

Mặc dù vậy, do thu nhập lãi thuần tăng mạnh đồng thời VietBank cũng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro đến 72% từ 74 tỷ đồng xuống còn 21 tỷ đồng nên lũy kế hết quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của VietBank vẫn ghi nhận tăng mạnh đến 74% đạt 197,3 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VietBank giảm 4% về mức 106.932 tỷ đồng trong đó cho vay khách hàng giảm 3%, tiền gửi của khách hàng giảm 3%.

Về chất lượng nợ vay, trong quý 1/2023, số dư nợ xấu của VietBank tăng 14% lên 2.654 tỷ đồng chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% lên 4,31%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó dư nợ thị trường 1 (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến giữ dưới 2,5%.

Ngày 26/4 tới đây, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VietBank sẽ diễn ra tại TP HCM. HĐQT ngân hàng này sẽ trình ĐHĐCĐ tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của VietBank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Trước đó, VietBank từng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào năm 2020. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2020 – đầu năm 2021, HoSE liên tục chứng kiến tình trạng quá tải, nghẽn lệnh chứng khoán. Hồ sơ đăng ký niêm yết mới tại HoSE của các công ty đại chúng cũng bị hoãn lại, chưa giải quyết cho đến khi khắc phục sự cố.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE của VietBank tiếp tục bị trì hoãn trong năm 2021. Nguyên nhân theo VietBank giải thích đến từ yếu tố bên ngoài, cụ thể là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng như "việc niêm yết cổ phiếu VietBank trên thị trường chứng khoán thời điểm năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và bảo đảm quyền lợi của Cổ đông".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.