Vietnam Airlines thoát "âm vốn" bằng phát hành cổ phiếu

ngành hàng không Việt nAM
15:35 - 29/09/2021
Vietnam Airlines thoát "âm vốn" bằng phát hành cổ phiếu
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều quý lỗ nặng liên tiếp, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN ) đã âm hơn 2,750 tỷ đồng tại cuối quý II/2021.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy tình trạng thua lỗ gia tăng ở hãng hàng không quốc gia trong bối cảnh bị tác động nặng nề của dịch COVID - 19.

Đứng trước tình trạng thua lỗ, Vietnam Airlines còn đối mặt với việc thanh khoản khi nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn

Mức lỗ chênh lệch giữa hai quý không được ghi trong báo cáo giải trình

Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần Vietnam Airlines ghi nhận tăng 9% so với cùng kỳ lên 6.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng hơn 13% lên 10.034 tỷ đồng. Do hoạt động dưới giá vốn nên Vietnam Airlines bị lỗ gộp 3.497 tỷ đồng, mức lỗ tăng hơn 22% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, hãng hàng không quốc gia còn ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 41 tỷ đồng trong công ty liên doanh, liên kết (con số này trong cùng kỳ là trên 95 tỷ đồng). Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng là 311 tỷ đồng (giảm 47%) và chi phí quản lý doanh nghiệp 454 tỷ đồng (tăng 76% so với cùng kỳ), Vietnam Airlines lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 4.471 tỷ đồng (tăng lỗ hơn 33% so với cùng kỳ).

Nếu quý II/2020, Vietnam Airlines có 382 tỷ đồng lợi nhuận khác thì đến quý II năm nay, con số này giảm còn hơn 5 tỷ đồng. Mức lỗ trước thuế của Vietnam Airlines lên tới 4.466 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế là 4.528 tỷ đồng và lỗ ròng thuộc về công mẹ là 4.449 tỷ đồng.

Trước đó, theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Vietnam Airlines thì hãng hàng không này đã lỗ sau thuế 4.975 tỷ đồng (lỗ ròng thuộc về công ty mẹ 4.890 tỷ đồng).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2021

Cộng lỗ hai quý đầu năm, Vietnam Airlines lỗ tổng cộng 9.503 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Hãng lại ghi nhận tổng lỗ sau thuế trong nửa đầu năm là 8.585 tỷ đồng (lỗ sau thuế của công ty mẹ là 8.421 tỷ đồng). Mức chênh lệch này không được Vietnam Airlines nêu tại báo cáo giải trình.

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 6 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình phát triển doanh nghiệp, cơ quan này ước tính, trong nửa đầu năm 2021, Vietnam Airlines có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng.

Âm vốn chủ sở hữu

Với tình hình lỗ của 2 quý, đến thời điểm 30/06, hãng hàng không quốc gia đã chính thức âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại thời điểm nói trên âm 2.750 tỷ đồng (con số này hồi đầu năm vẫn còn là con số dương, đạt 6.072 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tại ngày 30/06 đã lên tới 17.771 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản của Vietnam Airlines cũng tăng lên đáng kể khi nợ ngắn hạn ngày càng vượt xa giá trị tài sản ngắn hạn (nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn).

Cụ thể, tại ngày 30/06/2021, tổng giá trị tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines là 8.199 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn đã là 42.826 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã tăng hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.

Trong báo cáo giải trình của Vietnam Airlines thể hiện, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II của Tổng công ty này giảm so với cùng kỳ, ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ còn do lợi nhuận sau thuế của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như: Vaeco, Nasco…

Bổ sung gần 8.000 tỉ đồng

Để tháo gỡ khó khăn, Vietnam Arilines đã thực hiện nhiều giải pháp tài chính và tái cơ cấu để cân đối dòng tiền, nguồn vốn và duy trì sản xuất kinh doanh. Tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ Vietnam Airlines, Quốc hội và Chính phủ đã có “gói giải cứu” trị giá 12.000 tỷ đồng. Trong đó, có 4.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi theo hình thức tái cấp vốn, 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tới nay, gói giải pháp này đã triển khai xong. Cụ thể, với gói phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trị giá 8.000 tỷ đồng, tới ngày 14/09/2021, Vietnam Airlines đã phát hành được hơn 796 triệu cổ phiếu, thu về 7.961 tỷ đồng. Với số tiền bổ sung này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên 22.143 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD).

Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Hãng đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM - HOSE”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Về kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho cơ chế để Hãng không bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE, theo Vietnam Airlines, đây là kiến nghị từ trước thời điểm phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Do việc phát hành cổ phiếu tăng vốn với doanh nghiệp nhà nước cần thời gian để xử lý thủ tục theo quy định. Tới nay, Hãng đã phát hành cổ phiếu thành công, nên không phải sử dụng tới kiến nghị trên.

Lãnh đạo Hãng hàng không này cũng nhận định, cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn HOSE sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hãng bảo vệ vốn đầu tư của các cổ đông, huy động vốn trong tương lai. Từ đó từng bước vượt qua các khó khăn do dịch COVID - 19 để phục hồi và phát triển.

Trong đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn lần này, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được Chính phủ giao mua số cổ phiếu thuộc quyền của cổ đông nhà nước, với số tiền hơn 6.894 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines là Tập đoàn ANA (Nhật Bản) đã chuyển nhượng không lợi nhuận quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines. Sau khi tăng vốn, các cổ đông lớn của Vietnam Airlines hiện gồm: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,2%), SCIC (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%)./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.