Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lãi trước thuế 9 tháng gần 10.000 tỷ đồng

DOANH NGHIỆP Việt nAM
13:57 - 31/10/2021
Vinfast liên tiếp ghi nhận đạt doanh số dẫn đầu thị trường nội địa những tháng gần đây.
Vinfast liên tiếp ghi nhận đạt doanh số dẫn đầu thị trường nội địa những tháng gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung 9 tháng, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tổng cộng 90.848 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22%. Do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, nên lợi nhuận trước thuế của Vingroup chỉ đạt 9.715 tỷ, đi ngang so với quý 3/2020.

Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, với tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 30.112 tỷ đồng, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế trong quý đạt 3.315 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ, lỗ ròng 351 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lãi 1.540 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn tới đà sụt giảm doanh thu kể trên là do hầu hết mảng kinh doanh của tập đoàn đều tăng trưởng âm trong kỳ.

Các mảng kinh doanh của tập đoàn đều giảm trong giai đoạn tháng quý 3 với thu từ cho thuê bất động sản giảm 45%; dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí giảm 47%; bệnh viện giảm 17%; giáo dục giảm 60%; và sản xuất giảm 27%.

Ở lĩnh vực bất động sản, trong quý 3/2021, Vinhomes cho biết vẫn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh nhờ chuyển đổi mạnh mẽ từ nền tảng offline (bán hàng trực tiếp) sang nền tảng online (bán hàng trực tuyến). Tuy nhiên, mảng chuyển nhượng bất động sản vẫn là nguồn thu lớn nhất, mang về 19.626 tỷ đồng cho Vingroup trong quý này.

Về lĩnh vực bất động sản bán lẻ (Vincom Retail), lĩnh vực này bị ảnh hưởng trực tiếp trong quý 3 do giãn cách xã hội thực hiện trên nhiều tỉnh, thành phố. Sang tới tháng 10, 80 trung tâm thương mại trong hệ thống đã mở cửa đón khách trở lại mua sắm. Vincom Retail cho biết, đến giữa tháng 10, lượt khách tới các TTTM Vincom đã tăng mạnh.

Về Vinfast, trong những tháng quý 3, vinfast liên tiếp được ghi nhận đạt doanh số dẫn đầu thị trường nội địa. Dòng xe Fadil đạt doanh số 6.000 chiếc trong quý 3, lũy kế 9 tháng đạt 17.668 xe, trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường.

Gần đây nhất, VinFast cũng đã cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên VF e34, đồng thời triển khai lắp đặt hơn 10.000 trạm sạc trên khắp cả nước.

Tính chung 9 tháng, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tổng cộng 90.848 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22%. Tuy nhiên, do chi phí quản lý doanh nghiệp 9 tháng cũng tăng gấp đôi nên lợi nhuận trước thuế của Vingroup chỉ đạt 9.715 tỷ, đi ngang so với quý 3/2020.

Đến thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản Vingroup đạt 433.603 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 164.297 tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tăng lợi nhuận trong kỳ.

Năm nay, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu thuần 170.000 tỷ và lãi sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này mới hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 30/9, Vingroup có tổng tài sản đạt trên 433.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt gần 164.300 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tăng lợi nhuận trong kỳ.

Mới đây nhất, ngày 24/10, Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Vinhomes vừa khởi công Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh xây dựng trên diện tích 4.109,64ha (tại TX Quảng Yên là 3.186ha, TP Hạ Long khoảng 923,64ha), quy mô dân số khoảng 244.000 người. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 232.369 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 8, được sự hỗ trợ của Bộ Y Tế và Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Arcturus Therapeutics là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Theo thoả thuận, Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus), có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền sản xuất vắc xin VBC-COV19-154 tại Việt Nam cho Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup). Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8/2021 đến hết năm 2022.

VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vắc xin phòng Covid-19 khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vắc xin trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam

Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp