VN-Index bị ‘đánh úp’ cuối phiên, cổ phiếu Vincom Retail ngược dòng

Vincom Retail VN INDEX
16:06 - 19/12/2022
Giao dịch trên sàn HoSE phiên 19/12.
Giao dịch trên sàn HoSE phiên 19/12.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi hưng phấn bởi dòng tiền đổ vào các cổ phiếu bluechip, VN-Index bất ngờ bị “đánh úp” vào cuối phiên. Nhóm chứng khoán giao dịch sôi động nhất nhưng cũng không giữ được nhiệt khi đóng cửa, VRE ngược dòng tăng mạnh.

VN-Index kết phiên ở mốc 1.038,40 điểm, giảm hơn 14 điểm so với kết phiên cuối tuần trước. HNX-Index và UPCoM cũng giảm lần lượt 0,75 điểm và 0,07 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức tích cực với tổng giá trị khớp lệnh trên 3 sàn đạt gần 17.000 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch hơn 2.700 tỷ đồng. Họ tiếp tục mua ròng nhưng không còn mạnh mẽ, chỉ hơn 100 tỷ đồng. Trong tuần trước, khối này đã mua ròng gần 2.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

FUEVFVND là chứng chỉ quỹ được nhà đầu tư chi tiền gom mạnh nhất trong phiên hôm nay, với giá trị hơn 126 tỷ đồng. STB, SHB, HCM cùng được mua ròng hơn 26 tỷ đồng. VCI, BID, DGC, PVT, HDG, DXG được mua ròng 10-20 tỷ đồng.

Ngược lại, SSI dẫn đầu chiều bị bán ròng, giá trị 44 tỷ đồng. Tiếp sau là VIC 39 tỷ đồng, VNM 34 tỷ đồng, KDH 32 tỷ đồng, HPG 24 tỷ đồng…

Dòng tiền hôm nay tập trung nhiều vào nhóm chứng khoán. VND khớp lệnh 46 triệu đơn vị, SSI khớp lệnh gần 42 triệu đơn vị, SHS khớp lệnh 32 triệu đơn vị, VIX cũng khớp lệnh 25 triệu đơn vị. Các mã này đều đồng loạt tăng mạnh trong phiên sáng, tuy nhiên tới cuối phiên cũng bị “đánh úp”. VND giảm 3,4%, SHS giảm 1% còn VND và VIX đứng tham chiếu.

Do các mã lớn kém tích cực nên nhóm chứng khoán giảm 1,4%. Nhiều mã nhỏ như APG, APS, BMS, BSI, BVS, DSC… vẫn kết phiên trong sắc xanh.

Ngoài nhóm chứng khoán, hầu hết các nhóm còn lại cũng đều điều chỉnh giảm. Trong đó, bán lẻ và bất động sản giảm mạnh nhất, cùng mất đi hơn 2% giá trị vốn hóa. Tại nhóm bất động sản, tác động tiêu cực đến từ VIC -3,3%, VHM -2,2%, NVL -3,9%, REE -2,4%, KDH -2,9%, KBC -4,4%... Các mã tăng nóng thời gian qua như CEO, DIG, CII, HDG, HDC, TCH, SCR, DXG, DXS, HUT… đều giảm sàn hoặc giảm mạnh.

Ngược lại, VRE có công lớn khi tăng 4,2% lên mức giá 27.300 đồng. Trái ngược với sự phục hồi của nhiều cổ phiếu bất động sản thời gian qua, mã của Vincom Retail lại đi xuống trong giai đoạn từ cuối tháng 11 đến nay. Với vị thế là nhà phát triển và điều hành bất động sản bán lẻ lớn nhất, phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, thị giá của VRE được đánh giá đang ở vùng khá hấp dẫn.

Diễn biến cổ phiếu VRE.

Diễn biến cổ phiếu VRE.

Năm 2022, MBS dự báo doanh thu thuần đạt 8.050 tỷ đồng (tăng 37% so với 2021) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.850 tỷ đồng (tăng 41%), phản ánh kỳ vọng doanh thu cho thuê sẽ tăng trưởng mạnh do cắt giảm đáng kể gói hỗ trợ tiền thuê và đóng góp của các trung tâm thương mại mới khai trương trong năm nay.

Cho năm 2023, MBS dự báo doanh thu VRE đạt 9.700 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.600 tỷ đồng (tăng 40%), với kỳ vọng doanh thu cho thuê tiếp tục phục hồi về mức trước Covid.

Xét về nhóm ngành đóng góp cho chiều tăng của chỉ số thì các cổ phiếu thép được ghi nhận tích cực nhất. Sau phiên bùng nổ ngày cuối tuần 16/12, nhóm thép tiếp đà tăng tốc trong phiên sáng đa số các mã đều tăng mạnh. Tuy hạ nhiệt vào cuối phiên nhưng POM và VCA vẫn tăng trần. Các mã nhỏ như VGS, TVN, SMC, TLH, KKC, TIS đều tăng 3-7%. HSG và NKG khiêm tốn hơn với tỷ lệ tăng gần 2%. Duy chỉ có HPG ở chiều giảm (-2%) và cũng là nguyên nhân kéo vốn hóa toàn nhóm đi xuống.

Nhìn chung, chỉ số VN-Index đang vận động ở trạng thái tích lũy trên nền hỗ trợ 1.030 điểm. Gần đây, thị trường đang tiếp nhận liên tiếp những thông tin tích cực như Fed tăng lãi suất với biên độ thấp hơn dù sẽ nối dài lộ trình tăng lãi suất, áp lực về tỷ giá cao đang giảm đáng kể nhờ việc NHNN quay trở lại mua can thiệp đồng USD sẽ giúp thanh khoản cải thiện hơn nữa, các quỹ đầu tư tiến hành chốt danh mục cuối năm.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi nghị định 65 của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong năm 2023, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Hay việc nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi ngày mua ròng mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý tốt cho khối nội.

Do đó, dù lực cầu vẫn chưa trở lại sôi động nhưng hầu hết các công ty chứng khoán cũng như các chuyên gia đều nhận định VN-Index đang nằm trong sóng hồi và cần thời gian tích lũy để quay trở lại đà tăng, hướng lên các vùng điểm cao hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.