VN-Index dứt chuỗi tăng, CEO bất ngờ được dòng tiền săn đón

CEO VN INDEX
16:08 - 19/07/2023
Giao dịch sàn HoSE phiên 19/7.
Giao dịch sàn HoSE phiên 19/7.
0:00 / 0:00
0:00
Sau chuỗi tăng liên tiếp 8 phiên, bên mua đã không thắng được dòng tiền chốt lời khiến chỉ số đảo chiều. Tuy nhiên vẫn có những mã “nổi sóng” như CEO trong nhóm bất động sản.

Kết phiên 19/7, VN-Index đứng ở mốc 1.172,98 điểm, giảm 1,1 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM vẫn giữ được sắc xanh. Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao, với hơn 20.000 tỷ đồng được giao dịch.

Khối ngoại mua ròng phiên thứ ba liên tiếp, với 226 tỷ đồng mua ròng trên sàn HoSE (trong tổng số hơn 2.200 tỷ đồng giao dịch). VNM tiếp tục dẫn đầu danh sách mua ròng, với hơn 90 tỷ đồng, tiếp theo là VHM 80 tỷ đồng, HPG 69 tỷ đồng, SSI và MWG 31 tỷ đồng, VIC, STB trên 20 tỷ đồng.

Cổ phiếu đầu ngành ngân hàng VCB bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, với giá trị 115 tỷ đồng. MSN và TPB cũng bị bán ròng khoảng 40 tỷ đồng. Dòng tiền nước ngoài còn “thất thoát” khỏi VHC, DBC, VPB, POW, DGC, KBC, FRT...

Thị trường rung lắc nhưng thanh khoản không đột biến cho thấy áp lực bán ra có kiểm soát. Số mã giảm nhiều hơn nhưng mức điều chỉnh không lớn. Tại nhóm VN30, giảm mạnh nhất là 2 mã bất động sản NVL và PDR, cùng giảm 2,3%. Hai mã này vẫn đang chịu áp lực từ thông tin bị loại khỏi VN30.

Đa số các bluechip còn lại cũng ở chiều giảm, tuy nhiên nhờ VCB tăng 2,1% nên nhóm chỉ mất 1,6 điểm. HDB cũng tăng tốt 2,4%. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để HDBank chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%.

Chiều tăng còn có HPG, MSN, MWG, VJC, VNM, với mức tăng đều dưới 1%.

Nhờ sự tích cực của VCB và STB nên nhóm ngân hàng tiếp tục là điểm tựa để VN-Index không giảm sâu. Phiên hôm qua, nhóm này cũng có đóng góp lớn lớn trong việc đưa chỉ số lên vùng đỉnh mới trong năm 2023.

Các mã tăng giá trong nhóm ngân hàng còn có ABB, BAB, CTG, KLB, LPB, NAB, SGB; với tỷ lệ chênh lệch không nhiều. Giảm mạnh nhất là NVB -2,8%, nhiều mã đứng tham chiếu.

Tích cực nhất hôm nay là nhóm bảo hiểm, với PVI tăng trần, VNR tăng 4,2% và BIC tăng nhẹ 0,2%. Ngoài ra còn có nhóm bán lẻ, vật liệu xây dựng, vận tải kho bãi cũng kết phiên trong sắc xanh.

Nhìn chung, các nhóm ngành đều chứng kiến sự giằng co của dòng tiền ra – vào nên sự biến động không lớn. Cá biệt vẫn có những mã riêng lẻ có sức hút. Như CEO trong nhóm bất động sản, tăng trần lên mức giá 16.800 đồng/cp, khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 11 triệu đơn vị.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để CEO chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 100:98 với giá 10.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu SZC, PVP, DHA và IMP đều đồng loạt “khoác áo tím” sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 khả quan. Trong quý 2/2023, DHA (CTCP Hóa An) - doanh nghiệp khai thác đá xây dựng lãi ròng gấp 20 lần cùng kỳ, đạt 35 tỷ đồng.

PVP (CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, PV Trans Pacific) ghi nhận doanh thu thuần 360 tỷ đồng và lãi ròng 55 tỷ đồng trong quý 2, tăng lần lượt 8% và 236% so với cùng kỳ.

IMP (CTCP Dược phẩm Imexpharm) lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng đến 71% so với cùng kỳ năm trước và là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp.

SZC (Sonadezi Châu Đức) ghi nhận doanh thu thuần 288 tỷ đồng và lãi ròng 96 tỷ đồng, tăng tương ứng 10% và 57% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.