VNDirect nhận định về triển vọng của CTCP BAF

BaF Chăn nuôi
18:50 - 15/01/2024
VNDirect nhận định về triển vọng của CTCP BAF
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect Research, việc BAF tích cực mở rộng quy mô chăn nuôi và hệ thống phân phối thời gian qua sẽ góp phần vào mức độ hồi phục doanh thu của doanh nghiệp này từ quý 1/2024.

Theo báo cáo về CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa được VNDirect Research công bố, dự kiến doanh thu thuần năm 2023 của doanh nghiệp vào khoảng 4.622 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 86 tỷ đồng.

Năm 2024, dự báo BAF có thể thu về 4.939 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,8% so với ước đạt của năm 2023; lợi nhuận ròng 180 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần. Năm 2025, doanh thu thuần của BAF ước đạt 5.325 tỷ đồng, tăng 7,8% so với ước đạt năm 2024; lợi nhuận ròng đạt 251 tỷ đồng, tăng 39,4%.

Mức độ kỳ vọng về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của BAF trong năm 2024 và năm 2025 được tác động bởi các yếu tố như giá thịt lợn, việc BAF mở rộng sản xuất và kinh doanh, giá nông sản hạ nhiệt.

Nhu cầu gia tăng, thúc đẩy giá lợn hơi phục hồi

Tình hình kinh tế dần khởi sắc sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, cùng với đó ngành du lịch dự kiến sẽ đón một lượng lớn khách quốc tế tới Việt Nam, góp phần thúc đẩy các hoạt động ăn uống, giải trí trong năm 2024.

Do đó, nhu cầu thịt lợn của Việt Nam được dự báo có thể tăng 5% so với cùng kỳ trong khi nguồn cung sẽ duy trì ở mức ổn định (tăng 4% so với cùng kỳ) trong năm 2024.

Về nguồn cung thị trường, VNDirect cho rằng đã và đang có sự thay đổi trong cơ cấu ngành chăn nuôi. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm 50% (từ 4 triệu hộ vào năm 2021 xuống còn 2 triệu hộ vào đầu năm 2023), trong khi các doanh nghiệp 3F (Feed- Farm-Food) vẫn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, theo báo cáo nhận định.

Điều này sẽ giúp ổn định nguồn cung thịt lợn trong những năm tới do các trang trại 3F tuân thủ vệ sinh an toàn chuồng trại, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đó tránh tình trạng bán tháo để chạy dịch trên thị trường.

Trong năm 2023, giá thịt lợn đã giảm 5,2% so với năm 2022, còn 53.700 đồng/kg, thấp hơn 10,5% so với chi phí sản xuất/kg của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2024, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng giá lợn tăng 5% so với năm trước từ mức nền thấp trong năm 2023, lên 56.400 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng trong khi nguồn cung trong nước vẫn ổn định.

Ảnh: VNDirect Research

Ảnh: VNDirect Research

Ảnh: VNDirect Research

Ảnh: VNDirect Research

Những dự án mở rộng của BAF

Năm 2023, BAF đầu tư thêm 7 trang trại mới tại Tây Ninh, trong đó 4 trang trại mới được đưa vào hoạt động từ quý 2/2023, nâng tổng đàn lợn lên tới 300.000 đàn (tăng 50% so với cùng kỳ). Năm 2024, doanh nghiệp có kế hoạch đưa hai trang trại mới vào hoạt động vào tháng 1 và một trang trại khác vào tháng 2. Cả ba trang trại mới này đều đang được xây dựng từ quý 4/2023.

VNDirect kỳ vọng BAF sẽ tiếp tục đầu tư vào trang trại mới để nâng tổng đàn tăng 40% so với cùng kỳ, lên 420.000 con vào năm 2024.

Bên cạnh đó, BAF còn mở rộng hệ thống phân phối để đảm bảo đầu ra sản phẩm. Cụ thể, tháng 10/2023, BAF chính thức giới thiệu sản phẩm “BAF Meat” vào Big C, GO! và Top market. Bên cạnh siêu thị Siba Food và cửa hàng Meat shops (chuỗi cửa hàng của BAF), doanh nghiệp cũng tiếp tục tìm kiếm các đối tác và siêu thị lớn khác để tăng độ phủ sản phẩm “BAF Meat”.

Cũng trong cuối tháng 10/2023, Tập đoàn Tân Long và hai đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Nikkokutrust và Tập đoàn tài chính Tokyo Kiraboshi đã chính thức ký kết hợp đồng thành lập liên doanh tại Việt Nam để sản xuất và cung cấp suất ăn công nghiệp. Đặc biệt, Tập đoàn Tân Long chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu đầu vào chính như gạo và thịt (từ BAF).

Vào tháng 12/2023, BAF cũng bắt đầu phân phối sản phẩm tại AEON Mall Hải Phòng và 17 cửa hàng AEON MaxValu tại các thành phố cấp 1.

Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng nhờ sự nỗ lực mở rộng quy mô đàn lợn cùng với chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối nhằm tăng độ phủ sóng sản phẩm, sản lượng bán trong mảng 3F của BAF sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong những năm tới.

VNDirect cho rằng doanh thu mảng 3F của BAF dự kiến tăng trưởng 22,5% vào năm 2024 và 18,7% vào năm 2025. Doanh thu thương mại nông sản của doanh nghiệp dự kiến tăng nhẹ 1% và 2,9% giai đoạn 2024 – 2025. Do đó, doanh thu thuần của BAF có thể cải thiện 6,9% và 7,8% so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025.

Ảnh: VNDirect Research
Ảnh: VNDirect Research

Dự phóng biên lợi nhuận gộp

Theo VNDirect Research, giá nông sản hạ nhiệt có thể hỗ trợ biên lợi nhuận của BAF cải thiện. Báo cáo dẫn nguồn tin từ World Bank dự phóng giá nông sản toàn cầu (nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi) giảm 6,5% so với cùng kỳ trong năm 2024. Trong đó, nguồn cung ngô toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2024 do điều kiện thời thiết thuận lợi hơn ở Argentina, Brazil và Mỹ; nguồn cung lúa mì ổn định ở mức ngang với năm 2023.

Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi đã ghi nhận 5 đợt giảm giá trong năm 2023, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2022, theo ước tính của VNDirect. Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2024, giảm nhẹ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp chăn nuôi và nông dân. Từ đó, dự phóng biên lợi nhuận gộp của BAF tăng lần lượt 2,2 và 1 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025.

Ảnh: VNDirect Research
Ảnh: VNDirect Research

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN

Giá thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp

Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục giảm trong tháng 2/2024, tháng thứ bảy liên tiếp duy trì xu thế đi xuống. Trong đó, tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, bất chấp giá đường và thịt tăng.
Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu chè tháng 1/2024 tăng trưởng mạnh

Tháng 1/2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 12.398 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 10% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Tín hiệu hồi phục của ngành F&B tại Việt Nam

Ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) Việt Nam đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn, được giới chuyên gia nhận định là “kỳ kiểm tra” tiếp theo sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuối năm các tín hiệu tích cực đã xuất hiện báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ.