VNG lỗ kỷ lục hơn 1.300 tỷ đồng, khoản đầu tư vào Tiki bị ‘ăn mòn’ toàn bộ

VNG CÔNG NGHỆ
22:53 - 02/02/2023
VNG Data Center - trung tâm dữ liệu của VNG.
VNG Data Center - trung tâm dữ liệu của VNG.
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, doanh thu của CTCP VNG (mã chứng khoán VNZ) gần như đi ngang nhưng lỗ sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng, so với năm 2021 chỉ lỗ 71 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần của VNG trong quý 4 tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, chi phí đã nhấn chìm lợi nhuận khiến VNG lỗ sau thuế hơn 547 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ 267 tỷ đồng.

Đây là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 7.801 tỷ, tăng 2%; lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của “kỳ lân” công nghệ kể từ khi công bố thông tin, đẩy mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của VNG tại ngày 31/12/2022 về xấp xỉ 5.312 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 3.079 tỷ đồng là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 1/3 tổng tài sản. So với đầu năm, khoản này giảm 2.000 tỷ đồng.

Ngược lại, phần đầu tư vào các công ty liên kết, đơn vị khác gấp 3,7 lần đầu năm, từ gần 400 tỷ đồng lên 1.484 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi trong năm, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia đều thua lỗ.

Trong đó, khoản đầu tư vào Tiki đã bị "ăn mòn" toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Ba khoản lỗ lớn tiếp theo nằm tại Telio (lỗ 58 tỷ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỷ đồng), và Ecotruck (lỗ 24 tỷ đồng).

Phần tài sản dở dang dài hạn cũng tăng từ 212 tỷ đồng lên 1.039 tỷ đồng, chủ yếu do tăng gần 910 tỷ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án VNG Data Center - trung tâm dữ liệu mới với quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam vừa được VNG khai trương giữa tháng 12/2022.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VNG tăng 800 tỷ đồng lên 3.758 tỷ đồng. Tổng vay nợ cuối kỳ hơn 444 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn chỉ chiếm 10%, tương ứng 44,4 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNZ ngày 1/2 lần đầu ghi nhận giao dịch kể từ khi lên sàn (5/1/2023), với 100 đơn vị được khớp lệnh ở mức trần 336.000 đồng/cp. Với biên độ +40%, VNZ đã lập kỷ lục tăng 3.400 tỷ đồng vốn hoá chỉ sau 1 phiên, đưa vốn hoá của kỳ lân công nghệ này lên hơn 12.000 tỷ đồng.

Phiên 2/2, 100 cổ VNZ tiếp tục được bán với mức giá trần, đẩy thị giá mã này lên 386.000 đồng/cp, tương ứng tăng 55% chỉ sau 2 phiên giao dịch.

Với mức tăng đó, ông Lê Hồng Minh - CEO VNG đã gia nhập câu lạc bộ những người sở hữu tài sản nghìn tỷ trên sàn giao dịch. Cụ thể, với 3,5 triệu cổ phiếu VNZ đang nắm giữ (tương đương nắm 9,837% vốn VNG), ước tính theo thị giá hiện tại, khối tài sản của ông Minh đã tăng lên mức hơn 1.360 tỷ đồng.

Tại phần thuyết minh BCTC riêng quý 4, thời điểm 31/12/2022, VNZ nắm 69,98% cổ phần tại CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) với tổng giá trị đầu tư lên tới 2.960 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm hơn 401 tỷ đồng so với cuối quý 3. Công ty phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cuối kỳ là 2.720 tỷ đồng, tăng 1.180 tỷ so với đầu năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp