Vốn giá rẻ không còn dồi dào, cuộc đua CASA ngành ngân hàng hạ nhiệt

CASA NGÂN HÀNG
18:58 - 12/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý II/2022, xu hướng sụt giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không chỉ diễn ra ở những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, mà còn cả với những ngân hàng có lợi thế về việc huy động vốn rẻ.

Tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn với lợi thế chi phí vốn thấp, lãi suất gần như bằng 0% là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn, đang được các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt.

Để thu hút CASA, nhiều ngân hàng đã đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm, tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.

Kết quả là nhìn chung, tỷ lệ CASA của toàn hệ thống đã có sự cải thiện tích cực trong vài năm qua, đặc biệt ở những ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ như Techcombank, MB, VPBank, TPBank…

Song, nguồn vốn giá rẻ thực tế đang trở nên khan hiếm hơn khi hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục sau đại dịch, cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng với nhau.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2022 của 28 ngân hàng thương mại, cuối quý II/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại nhiều ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu đi xuống khi người dân có xu hướng rút bớt tiền nhàn rỗi ra khỏi ngân hàng.

Đáng chú ý, xu hướng sụt giảm tỷ lệ CASA không chỉ diễn ra ở những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, mà còn cả với những ngân hàng có lợi thế về việc huy động vốn rẻ.

Xét về tỷ lệ, quán quân CASA thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Ảnh: Quách Sơn

Xét về tỷ lệ, quán quân CASA thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Ảnh: Quách Sơn

Theo đó, xét về tỷ lệ, quán quân CASA thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 47,5%, tương đương 152.700 tỷ đồng.

Song, dù vẫn trụ vững ở mức cao nhưng CASA của Techcombank đã ghi nhận sự sụt giảm so với dấu mốc kỷ lục hơn 50% của quý trước. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân tại Techcombank giảm 12% so với cuối quý I, từ 108.000 tỷ đồng xuống 95.000 tỷ đồng kéo theo tổng tiền gửi không kỳ hạn giảm từ 329.000 tỷ đồng vào cuối quý I xuống còn 322.000 tỷ đồng cuối quý II.

Lý giải về điều này, tại buổi “Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022”, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, ông Ngô Hoàng Hà cho biết có một xu hướng là hết đại dịch, khách hàng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu tiêu dùng cá nhân.

Đặc biệt, trước rủi ro lạm phát, ông Hà cho rằng nhiều khách hàng có thu nhập cao sẽ mua bất động sản để tránh giảm giá trị đồng tiền, điều này dẫn đến số dư CASA của khách hàng cá nhân giảm.

Xét Top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất tính đến cuối quý II, không ngoại lệ, tỷ lệ CASA của ACB cũng giảm 2 điểm phần trăm về gần 25% vào cuối quý II với số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngày 30/6/2022 là 94.660 tỷ đồng.

Tại MSB, tỷ lệ CASA cuối quý II giảm khoảng 1,4 điểm % so với quý I nhưng vẫn cao hơn thời điểm cuối năm 2021. Tương tự tại Vietcombank, CASA của ngân hàng này giảm 0,9 điểm % về mức 35,4% vào cuối quý II.

Chỉ riêng MB có xu hướng ngược lại khi tỷ lệ CASA quý II tăng nhẹ 0,7% so với quý trước đó, lên mức 45,5%. BVSC cho rằng MB đã tạo ra sự khác biệt so với các ngân hàng niêm yết khác khi là ngân hàng có sự gia tăng CASA trong khi các ngân hàng khác đều có sự suy giảm CASA.

Riêng MB có xu hướng ngược lại khi tỷ lệ CASA quý II tăng nhẹ 0,7% so với quý trước

Riêng MB có xu hướng ngược lại khi tỷ lệ CASA quý II tăng nhẹ 0,7% so với quý trước

Theo đó, sự gia tăng CASA của MB nhờ ngân hàng có tập khách hàng chất lượng cũng như đã gia tăng được khách hàng nhanh chóng. Cuối quý II, lượng khách hàng sử dụng ứng dụng MB đã lên tới 12,9 triệu người tăng 17,3% so với cuối quý I và 228% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà băng sở hữu tỷ lệ CASA ở mức khá thấp, dưới 10% như: VietBank chỉ 3,1%, BacABank: 3,7%, Kienlongbank: 5,7%, VietCapitalBank: 6,1%, SeABank: 8%, NamABank: 8,7%…

Xét về tốc độ, xu hướng sụt giảm tỷ lệ CASA diễn ra ở hầu hết các ngân hàng. Điển hình là KienlongBank với tỷ lệ CASA giảm mạnh từ 24,8% trong quý I xuống còn 9,1% cuối quý II. Đây cũng là một trong những ngân hàng có CASA giảm mạnh nhất và nằm ở mức thấp trong nhóm thống kê.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, tính tới 30/6/2022, số dư tiền gửi khách hàng của KienlongBank giảm gần 16% so với đầu năm, xuống còn 43.219 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh 50,9%, xuống còn gần 3.900 tỷ đồng.

PGBank cũng là một ví dụ khi tỷ lệ CASA của nhà băng này đã giảm mạnh 45% trong kỳ, chỉ còn gần 3.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ CASA là 11,5%, so với mức 21% hồi đầu năm.

Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại LienVietPostBank đã giảm 22% trong năm qua, khiến tỷ lệ CASA hiện giảm xuống chỉ còn 10,7%, so với mức 14,6% hồi đầu năm.

Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh, bao gồm, VPBank giảm 2,5%, Eximbank giảm 2,29%, HDBank giảm 1,94%, OCB giảm 1,25%…

Xu hướng sụt giảm CASA chỉ diễn ra trong ngắn hạn

Nhận định về xu hướng trong thời gian tới, trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, nhóm phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng, sự sụt giảm CASA của ngành trong quý II/2022 có thể được giải thích bởi hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, khi đó khoản tiền nhàn rỗi trước đây sẽ được phân bổ lại cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc mua nhà.

"Chúng tôi tin rằng chất lượng khách hàng cũng như tần suất giao dịch (chứ không chỉ là giá trị giao dịch) của khách hàng là những yếu tố quan trọng hơn trong việc duy trì cơ sở CASA vững chắc trong dài hạn", SSI nhận định.

Tương tự, nhiều ngân hàng cũng cho rằng, CASA sụt giảm chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh của SSI, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sau Covid-19, đặc biệt là sau tháng 4/2022 khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, một lượng lớn các nhu cầu về tài chính của khách hàng đặc biệt là nhu cầu về đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản đã được triển khai rất mạnh mẽ.

Theo đánh giá của Techcombank dựa theo các phân tích dữ liệu, tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời. Với sự am hiểu về các dòng tiền vào và dòng tiền ra, ngân hàng đã đưa ra những hành động ngay lập tức và dự kiến sẽ đạt được chỉ số 50% về tỷ lệ CASA vào cuối năm nay.

Trong khi đó, theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.