Vụ việc tại FLC, Tân Hoàng Minh: Không có chuyện bắt chuột vỡ bình

tiêu điểm Việt nAM
22:48 - 27/04/2022
Ban Nội chính Trung ương họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, thời gian qua các cơ quan chức năng có chủ trương và giải pháp sao cho những doanh nghiệp có lãnh đạo liên quan đến các vụ án vẫn hoạt động được bình thường, nên "không có chuyện bắt chuột vỡ bình"

Chiều 27/4, Ban Nội chính Trung ương họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng).

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 4 vụ án/23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC và vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Thường trực Ban chỉ đạo đã thống nhất bổ sung 2 vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trả lời câu hỏi về việc ảnh hưởng từ việc xử lý hình sự những vụ án kinh tế thời gian qua đến phát triển kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Đảng, Nhà nước đã tính toán rất kỹ lưỡng được gì, mất gì khi xử lý hoặc không xử lý các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp lớn.

Theo ông Yên, các hoạt động kinh tế, trong đó có tài chính, tín dụng ngân hàng, chứng khoán… thực hiện đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể là mục tiêu của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều đó tạo nguồn lực, niềm tin để tất cả các chủ thể sẵn sàng đầu tư cũng như quyền lợi của các bên được bảo đảm. Cho nên việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến lĩnh vực này là cần thiết và hoàn toàn có lợi.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng, việc xử lý các sai phạm tất nhiên không thể tránh được tác động nào đó. Song các cơ quan chức năng đã có chủ trương, biện pháp, giải pháp sao cho các doanh nghiệp có lãnh đạo liên quan đến vụ án vẫn hoạt động bình thường. Trước việc điều tra, xử lý nghiêm sai phạm trong vụ án xảy ra tại hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh, ông Yên khẳng định "không có chuyện bắt chuột vỡ bình".

"Sai đến đâu sẽ xử đến đó. Sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, mà đã khởi tố thì phải điều tra, đã điều tra thì phải truy tố và xét xử. Chúng ta đã nhất quán nguyên tắc chỉ đạo: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và hoàn toàn không chịu sự tác động không đúng của bất cứ cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền nào", ông Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, việc xử lý những hành vi vi phạm trong các vụ án là đúng quy định của luật pháp. Mục đích là làm lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cũng trong ngày 27/4, tại cuộc họp báo thường kỳ thông báo về kết quả, tình hình hoạt động quý I/2022 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin thêm về việc phong toả tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - cựu chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng như các lãnh đạo khác của hai tập đoàn này.

Theo ông Lợi, các cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương. Ông cũng cho biết, thực tế việc thi hành án dân sự vừa qua cho thấy không ít khó khăn, vướng mắc khi Tòa án tuyên số tiền, tài sản mà các bị cáo phải thi hành rất lớn, nhưng đã bị tẩu tán nên số thi hành được rất ít.

"Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản", ông Lợi dẫn Điều 126 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.