WHO: 'Châu Âu đang ngừng chiến với đại dịch Covid-19'

COVID-19 CHÂU ÂU
10:04 - 04/02/2022
Theo dự báo của WHO, châu Âu có thể sẽ bước vào thời kỳ yên ổn sau hai năm đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg
Theo dự báo của WHO, châu Âu có thể sẽ bước vào thời kỳ yên ổn sau hai năm đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/2 dự báo, châu Âu có thể sẽ bước vào thời kỳ yên ổn sau hai năm đại dịch Covid-19. Nguyên nhân được cho là nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc.

“Từ đầu đại dịch cho đến nay, đây là thời điểm mở ra hy vọng cho chúng ta về giai đoạn yên ổn trong một thời gian dài”, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge phát biểu trước báo chí.

Ông cho biết diễn biến dịch Covid-19 hiện nay ở châu Âu có thể được xem như một "lệnh ngừng bắn", mang lại sự yên ổn về lâu dài cho khu vực.

Theo ông Hans Kluge, châu Âu đang có nhiều điều kiện tốt hơn để ứng phó nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm biến chủng mới, vì ngày càng nhiều người có khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vaccine, kết hợp với sự thay đổi mùa.

Người dân Đức xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters

Người dân Đức xếp hàng trước một điểm tiêm chủng ở Berlin (Đức). Ảnh: Reuters

“Chúng ta có thể chống chịu tốt hơn trước bất kỳ các biến chủng mới mà không cần tái áp đặt những biện pháp gây gián đoạn như chúng ta từng cần trước đây”, ông Kluge nhấn mạnh. “Ngay cả với biến chủng có khả năng lây truyền nhanh hơn, độc lực mạnh hơn” biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, quan chức WHO cũng nhấn mạnh rằng điều này "không có nghĩa là đại dịch đã hoàn toàn kết thúc", nhưng đã có một cơ hội duy nhất để kiểm soát sự lây lan. Ông cảnh báo viễn cảnh tươi sáng mà dự báo nêu ra chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi để phát hiện các biến chủng mới.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi giới chức y tế bảo vệ các nhóm nguy cơ cao vì dịch Covid-19 và khuyến khích người dân nâng cao trách nhiệm cá nhân, như thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Theo số liệu của WHO, với sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron, số ca mắc Covid-19 mới đang tăng mạnh ở khu vực châu Âu, gồm 53 quốc gia, và cả một số nước Trung Á. Khu vực này đã ghi nhận khoảng 12 triệu ca mắc mới vào tuần trước, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, do chứng kiến tỷ lệ nhập viện thấp hơn so với các đợt dịch trước, một số nước như Pháp, Ireland và Anh đã thông báo dỡ bỏ hoặc giảm đáng kể các hạn chế, bất chấp số ca mắc vẫn ở mức cao kỷ lục hoặc ở mức rất cao. Đặc biệt, Đan Mạch đã trở thành nước đầu tiên ở châu Âu dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến Covid-19 như có thể tụ tập nơi công cộng, không cần đeo khẩu trang. Chỉ có một số hạn chế được áp dụng tại biên giới đối với những du khách chưa được tiêm phòng, không đến từ khối Schengen.

Tuy nhiên, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo Covid-19 vẫn “rất nguy hiểm và đang tiếp tục biến hóa" và "còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố đã chiến thắng đại dịch”.

Tin liên quan

Đọc tiếp