WHO: 'Năm 2022 chúng ta phải chấm dứt đại dịch’

COVID-19 THẾ GIỚI
10:49 - 21/12/2021
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 20/12/2021. Ảnh: Reuters
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 20/12/2021. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 cho biết, thế giới cần phải đoàn kết và đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết nhằm sớm chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm tới.

Trong cuộc họp báo tại Geneve (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh 2022 phải là năm chấm dứt đại dịch. Nhưng ông thừa nhận rằng, thời điểm các lễ hội cuối năm đang đến gần, “tất cả chúng ta đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Tất cả chúng ta đều muốn trở lại bình thường".

Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp do Omicron hiện nay, các quốc gia nên hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người. "Sẽ tốt hơn nếu hủy các sự kiện ngay bây giờ và tổ chức sau, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này", ông nói thêm.

Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố New York, Mỹ, hôm 20/12. Ảnh: Reuters
Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố New York, Mỹ, hôm 20/12. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu WHO cũng khẳng định rằng, thế giới có thể ngăn chặn đại dịch khi cùng tuân thủ các quy tắc chống dịch theo tiêu chuẩn của WHO như tiêm vaccine Covid-19, đeo khẩu trang nơi công cộng và giữ khoảng cách an toàn với mọi người.

Trong bối cảnh gia tăng lo ngại về Omicron, nhiều quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm mũi tăng cường cho người dân khi có các dữ liệu cho thấy liều thứ ba có khả năng tại kháng thể cao hơn biến chủng mới.

Tuy nhiên, WHO cho rằng điều quan trọng nhất trong cuộc chiến với đại dịch này là thế giới cần phải chấm dứt sự bất bình đẳng rõ ràng trong việc tiếp cận với vaccine giữa nước giàu và nghèo. Ông nói: “Nếu chúng ta muốn kết thúc đại dịch trong năm tới, chúng ta phải chấm dứt sự bất bình đẳng”.

Kể từ khi được báo cáo lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 11, Omicron đã được phát hiện ở gần 90 quốc gia trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh chưa từng có. Tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, biến chủng này góp phần đẩy số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao nhất lịch sử trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới gần. Giới khoa học dự đoán biến chủng này sẽ sớm vượt qua chủng Delta để trở thành chủng virus Covid-19 chiếm đa số tại nhiều nước.

Mặc dù có các dấu hiệu cho thấy nó không nghiêm trọng hơn biến chủng Delta, nhưng Omicron đã được WHO khẳng định trong nghiên cứu ban đầu là có khả năng lây truyền cao hơn và khả năng kháng vaccine đáng lo ngại. Tổ chức này cũng cảnh báo "mọi hệ thống y tế sẽ quá tải" nếu số ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 tiếp tục tăng như hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp