WHO: ‘Tiêm tăng cường sẽ kéo dài cuộc chiến Covid-19’

Tiêm chủng THẾ GIỚI
10:27 - 23/12/2021
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ hôm 20/12. Ảnh: Reuters
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sỹ hôm 20/12. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
WHO cảnh báo chương trình tiêm chủng tăng cường của các nước giàu khiến sự bất bình đẳng về phân phối vaccine Covid-19 ngày càng gia tăng, đại dịch sẽ tiếp tục kéo dài thay vì kết thúc.

Trong cuộc họp báo hôm 22/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các chương trình tiêm tăng cường trên diện rộng càng có khả năng kéo dài đại dịch. Nguồn cung vaccine đang tiếp tục chuyển tới các quốc gia đã có tỷ lệ phủ vaccine cao, càng tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến nhiều hơn”.

WHO từ lâu chỉ trích sự bất bình đẳng trong các chương trình tiêm tăng cường vaccine Covid-19. Trong bối cảnh các nước nghèo phải vật lộn để có được những mũi tiêm ban đầu cho người dân, thì các nước giàu thúc đẩy rộng rãi chiến dịch tiêm các mũi tăng cường thứ 3, thậm chí là thứ 4.

Không quốc gia nào có thể tự tăng cường để thoát đại dịch. Ảnh: Reuters

Không quốc gia nào có thể tự tăng cường để thoát đại dịch. Ảnh: Reuters

Cơ quan này cũng đồng thời cảnh báo rằng việc phân phối vaccine không bình đẳng có thể dẫn đến nhiều biến chủng đột biến hơn và cuộc chiến dịch bệnh của nhân loại sẽ đi đến “ngõ cụt” của khủng hoảng.

"Không quốc gia nào có thể tự tăng cường để thoát đại dịch", ông Tedros nói thêm.

Bình luận của WHO được đưa ra ngay sau khi Mỹ đang kêu gọi tiêm chủng tăng cường quy mô lớn với công dân trên 16 tuổi, Israel thông báo sẽ triển khai tiêm liều vaccine Covid-19 thứ tư cho những người trên 60 tuổi.

Ông Tedros nhấn mạnh: “Phần lớn các ca nhập viện và tử vong do Covid-19 hiện nay là ở nhóm người chưa tiêm chủng, không phải những người đã tiêm đủ mà chưa được tiêm các mũi tăng cường”.

Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định rằng, sự xuất hiện của biến chủng Omicron gắn liền với sự bất bình đẳng về vaccine trên thế giới. Theo các nhà khoa học, chủng Omicron được cho là xuất hiện từ một bệnh nhân nhiễm HIV ở Nam Phi, nơi chỉ có 26% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Loại virus này có thể đột biến ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, tạo điều kiện để chúng sống trong một thời gian dài và tìm ra cách tồn tại bên trong vật chủ là con người.

Kể từ khi được phát hiện ở phía nam châu Phi vào tháng 11, biến chủng Omicron đã làm mờ đi hy vọng rằng thời kỳ đen tối nhất của đại dịch đã đi qua. Cho đến nay, Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng có và được ghi nhận tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng, Omicron không chỉ là biến chủng có tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng trước mà còn có khả năng né tránh một phần các kháng thể từ vaccine. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vaccine của Omicron. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu chưa được bình duyệt do Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi công bố trên trang MedRxiv ngày 21/12, những người nhiễm chủng Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn 80% so với nhiễm chủng khác.

Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định các loại vaccine hiện hành vẫn cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể trước các nguy cơ diễn biến nặng và tử vong do Omicron.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh các quốc gia cần thực hiện tất cả biện pháp phòng dịch để ngăn chặn Covid-19 lây lan, nhất là dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Đồng thời ông kêu gọi các quốc gia rút ra bài học sau hai năm đại dịch và một lần nữa tăng cường tính công bằng vaccine. Ông hy vọng năm tới đại dịch đã giết chết hơn 5,6 triệu người trên thế giới có thể chấm dứt.

“2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Tedros nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.