World Bank cảnh báo tín hiệu giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

KINH TẾ THẾ GIỚI
18:56 - 01/03/2022
World Bank cảnh báo tín hiệu giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), các ngân hàng trung ương toàn cầu đang có những phản ứng chính sách trái chiều khi đà phục hồi của kinh tế thế giới có dấu hiệu giảm tốc.

Báo cáo kinh tế thế giới hàng tháng của World Bank ra hôm 28/2 nhận định, đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay đứng trước nhiều thách thức, từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài do làn sóng bùng phát dịch mới của biến thể Omicron, cho đến giá năng lượng tăng mạnh do rủi ro địa chính trị, nhu cầu tăng và hạn chế trong năng lực sản xuất của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trên toàn cầu trong 3 tháng gần đây là thách thức lớn với đà phục hồi kinh tế (Ảnh: World Bank)

Số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trên toàn cầu trong 3 tháng gần đây là thách thức lớn với đà phục hồi kinh tế (Ảnh: World Bank)

Tổng quan nền kinh tế toàn cầu: nhiều thách thức lớn với đà phục hồi

Hoạt động kinh tế toàn cầu giảm tốc rõ rệt trong tháng 1/2022 do ảnh hưởng của sự bùng phát trở lại dịch COVID-19 tại nhiều khu vực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu giảm từ mức 54,3 điểm hồi tháng 12/2021 xuống 51,4 điểm trong tháng 1/2022, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.

Trong đó, PMI của khu vực sản xuất giảm nhẹ từ 54,3 xuống 53,2, PMI khu vực dịch vụ giảm tốc mạnh mẽ hơn.

PMI tổng hợp toàn cầu giảm đáng kể về mức 51,4 điểm trong tháng 1/2022 (Ảnh: World Bank)

PMI tổng hợp toàn cầu giảm đáng kể về mức 51,4 điểm trong tháng 1/2022 (Ảnh: World Bank)

World Bank nhận định mặc dù PMI tổng hợp toàn cầu vẫn nằm trên mốc trung tính 50, cho thấy sự mở rộng chung nhưng đà tăng trưởng giảm tốc phản ánh sự suy yếu của khu vực dịch vụ cũng như thận trọng trong tâm lý người tiêu dùng. Riêng với PMI sản xuất, mức sụt giảm chủ yếu đến từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDEs).

Tương tự hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu cũng ghi nhận tín hiệu giảm tốc. Dữ liệu mà World Bank thu thập được chỉ ra sự chậm lại đáng kể của tăng trưởng thương mại toàn cầu vào đầu năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu đối với các hàng hóa thâm dụng thương mại giảm sút ở một số nền kinh tế lớn.

Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới, một thành phần để tính PMI sản xuất toàn cầu, đã giảm xuống 49,7 điểm trong tháng 1/2022. Con số phát đi tín hiệu về sự suy giảm thương mại hàng hóa lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020 đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu tại World Bank, chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài có thể gây áp lực lên lượng đơn hàng tồn đọng, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến đường vận tải từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu tiếp tục ở trong tình trạng tắc nghẽn căng thẳng.

Cước container vận chuyển từ Trung Quốc tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 (Ảnh: World Bank)

Cước container vận chuyển từ Trung Quốc tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021 (Ảnh: World Bank)

Tình hình tài chính toàn cầu chuyển hướng sang chính sách tiền tệ thắt chặt sau thời gian nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một trong những ngân hàng trung ương tiên phong trong xu hướng này khi các quan chức FED liên tục gợi ý động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để kiểm soát lạm phát đã lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 1.

Khu vực đồng Euro cũng dự kiến chịu tác động khi ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất trong năm nay. Thị trường dự báo FED tăng lãi suất 3-6 lần trong năm 2022 và ECB tăng lãi suất khoảng 0,5% trong năm.

Nhiều ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng hướng tới thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua, tiêu biểu như mức tăng lãi suất 1,5% của ngân hàng trung ương Chile vào cuối tháng 1.

Trong khi đó, trên thị trường hàng hóa, giá cả tiếp tục tăng cao. Theo tính toán của World Bank, giá năng lượng tăng 8% trong tháng 1/2022 so với tháng 12/2021, dẫn đầu bởi mức tăng giá 17% của than và 15% của dầu thô.

Trong tháng 1, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thời điểm tăng trên 98 USD/ thùng, cao nhất trong 7 năm do quan ngại của thị trường rằng xung đột Nga - Ukraine làm tăng thêm áp lực lên nguồn cung dầu vốn đã căng thẳng. Giá kim loại cũng tăng 7% trong tháng 1 khi giá quặng sắt tăng 13% và niken tăng 12%.

Chính sách tiền tệ ngược chiều

Mỹ

Chi tiêu tiêu dùng và hàng tồn kho là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 6,9% trong quý IV/2021 (Ảnh: World Bank)

Chi tiêu tiêu dùng và hàng tồn kho là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 6,9% trong quý IV/2021 (Ảnh: World Bank)

Là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, Mỹ tiếp tục ghi nhận đà phục hồi kinh tế vững chắc. GDP của Mỹ tăng 6,9% trong quý IV/2021, tăng tốc rõ rệt so với mức 2,3% hồi quý III và cao hơn nhiều mức kỳ vọng 5,5% của thị trường. Tựu chung, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm ngoái đạt 5,7%, cao nhất trong vòng 37 năm.

Động lực kinh tế được duy trì trong tháng 1/2022 với doanh số bán lẻ tăng 3,8% và sản xuất công nghiệp tăng 1,4% so với tháng liền trước. Thị trường lao động cũng phục hồi nhanh chóng với 467.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng, thu nhập bình quân hàng giờ tăng ước tính 0,7%.

Tuy nhiên, làn sóng dịch gây ra bởi biến thể Omicron đã làm suy yếu hoạt động dịch vụ, đưa PMI dịch vụ của Mỹ giảm từ mức 57,6 điểm hồi tháng 12 năm ngoái xuống 51,2 điểm trong tháng 1. Đây cũng là mức PMI dịch vụ thấp nhất của Mỹ kể từ tháng 7/2020 đến nay.

Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tại Mỹ đã lên tới 7,5%, mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ.

Các nền kinh tế phát triển khác

Tại nhiều nền kinh tế phát triển, GDP quý IV/2021 giảm mạnh so với quý III, phản ánh đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế (Ảnh: World Bank)

Tại nhiều nền kinh tế phát triển, GDP quý IV/2021 giảm mạnh so với quý III, phản ánh đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế (Ảnh: World Bank)

Ở các nền kinh tế phát triển khác, biến chủng Omicron cũng đang “ăn mòn” đà phục hồi của khu vực dịch vụ.

Cụ thể, tại khu vực đồng Euro, sau khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý II và quý III, quý IV/2021 chứng kiến tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể, xuống mức 1,2% do sự hồi sinh các làn sóng dịch bệnh. Xu hướng này tiếp tục gây áp lực lên các tháng đầu năm 2022 khi chỉ số PMI dịch vụ toàn khu vực trong tháng 1 giảm từ 53,3 điểm xuống 52,3 điểm. Trong khi đó, lạm phát tăng lên mức kỷ lục 5,1%, vượt xa dự báo 4,4% của thị trường.

Tại Anh, sức ép lạm phát cũng buộc ngân hàng trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% vào đầu tháng 2, đồng thời tuyên bố bắt đầu thắt chặt định lượng.

Nhật Bản cũng ghi nhận PMI dịch vụ giảm từ 52,1 điểm xuống 47,6 điểm trong tháng 1/2022, mức thu hẹp toàn diện khi các ca nhiễm mới COVID-19 cao hơn đáng kể.

Trung Quốc

PMI khu vực dịch vụ của Trung Quốc cho thấy đà phục hồi khu vực dịch vụ đang suy yếu (Ảnh: World Bank)

PMI khu vực dịch vụ của Trung Quốc cho thấy đà phục hồi khu vực dịch vụ đang suy yếu (Ảnh: World Bank)

Trái ngược với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ chung của phương Tây, Trung Quốc lại tiến tới nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức rất thấp và đà tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc.

Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều giảm trong tháng 1/2022, phản ánh tác động của các đợt bùng phát dịch COVID-19 khi Chính phủ Bắc Kinh kiên trì đường lối Zero COVID. Chỉ số PMI khu vực dịch vụ và sản xuất phi chính thức đo lường bởi Caixin giảm đáng kể, cho thấy sự suy yếu của chi tiêu tiêu dùng. Tương tự, chỉ số PMI sản xuất của Caixin giảm xuống dưới mức trung lập 50 điểm, phản ánh sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để hỗ trợ nền kinh tế, trong những tuần gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục cắt giảm lãi suất cho vay và nới lỏng quy định vay ở một số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn, hôm 17/1, PBOC hạ 0,1% với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày. Đồng thời, hạ lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm 0,1% xuống 3,7% và lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm 0,05% xuống còn 4,6%. Chỉ sau đó 1 tuần, PBOC tiếp tục hạ 0,1% lãi suất nghiệp vụ mua kỳ hạn (nghiệp vụ thị trường mở - reverse repo) 14 ngày từ 2,35% xuống 2,25%.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

PMI sản xuất và dịch vụ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm đáng kể trong tháng 1/2022 (Ảnh: World Bank)

PMI sản xuất và dịch vụ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm đáng kể trong tháng 1/2022 (Ảnh: World Bank)

Sự kết hợp của các làn sóng dịch COVID-19 mới và điều kiện tài chính toàn cầu nhiều thách thức đã tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Chính sách tiền tệ tại các quốc gia này cũng cho thấy sự biến động ngược chiều, một số tiếp tục kiên định nới lỏng, một số đang trung hòa hoặc bắt đầu chuyển sang thắt chặt.

Chỉ số PMI tổng hợp tại Ấn Độ, Nigeria và Saudi Arabia đều báo hiệu hoạt động sản xuất và dịch vụ giảm tốc trong tháng 1. Với mức PMI tổng hợp 50,3 điểm, nền kinh tế Nga cũng cho thấy dấu hiệu của đà tăng trưởng trì trệ. Một số nền kinh tế như Nam Phi hay Ai Cập thậm chí còn ghi nhận PMI tổng hợp trong lãnh thổ suy yếu, lần lượt là 48,5 điểm và 45,9 điểm.

Vào đầu tháng 1, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022 và 3,2% năm 2023.

Một số tổ chức kinh tế - tài chính thế giới trong thời gian qua đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và lạm phát dai dẳng hơn dự báo.

Chẳng hạn, IHS Markit hôm 22/2 hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cẩu năm nay từ 4,3% xuống 4,2% do kỳ vọng đà tăng trưởng giảm tốc ở các khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc đại lục, Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố vào cuối tháng 1/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay từ 4,9% về 4,4% do giá năng lượng tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn và chi tiêu tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp