Xây dựng Luật Đất đai phải sát thực tiễn, có tầm nhìn xa, sức sống dài

LUẬT ĐẤT ĐAI Việt nAM
21:45 - 24/02/2023
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sáng 24/2. Nguồn: VGP.
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sáng 24/2. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là Luật Đất đai (sửa đổi) phải tháo gỡ khó khăn, tạo ra chính sách phù hợp, phát huy được nguồn lực đất đai, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, người dân có thể hiểu được, thực hiện được.

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại tỉnh Quảng Bình sáng 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Luật đất đai được kỳ vọng giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay của các địa phương. Bộ luật phải có tầm nhìn xa, sức sống dài, có tính khả thi, giải phóng được nguồn lực đất đai là nhiệm vụ chung, quan trọng.

Thể chế hoá tốt để chính sách đi vào cuộc sống

Phó Thủ tướng đề cập yêu cầu đặt ra là Luật phải tháo gỡ khó khăn, tạo ra chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực đất đai, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác, người dân có thể hiểu được, thực hiện được.

Phó Thủ tướng gợi ý các đại biểu một số vấn đề cụ thể cần trao đổi, góp ý sâu hơn nữa, để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các công cụ quản lý hiệu quả để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

"Có chính sách đúng nhưng thể chế hoá không tốt thì chính sách không đi được vào cuộc sống. Như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hoá đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai hay chưa?"Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Thứ nhất là phải làm rõ, cụ thể về khái niệm, chủ thể "Nhà nước", "toàn dân" để từ đó quy định quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp thẩm quyền về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai một cách hợp lý, trong đó cần hết sức lưu ý vai trò chính quyền ở cấp xã, phường.

Thứ hai là đánh giá tính đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đất đai với quy hoạch các ngành, địa phương theo quy định trong dự thảo Luật.

Thứ ba là tính khả thi, toàn diện của các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thu thập, xây dựng dữ liệu giá đất, khuyến khích người dân công khai giá đất giao dịch… nhằm khắc phục tình trạng việc định giá đất đang rất chậm trễ ở các địa phương dù đang có tới 5 phương pháp định giá đất.

Thứ tư, các chính sách về thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư trong dự thảo Luật đã phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ được những khó khăn trong thực hiện chuyển dịch đất đai, từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đến đâu, còn vấn đề gì cần đẩy mạnh hơn nữa như tách khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư thành những dự án riêng nhằm triển khai đồng bộ với dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã báo cáo về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã góp ý cụ thể vào từng chương, mục, điều khoản của dự thảo Luật; những kiến nghị sửa đổi các điều luật cụ thể đến Ban soạn thảo dự án luật và những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.

Các đại biểu cũng tập trung làm rõ 4 vấn đề lớn. Một là cần rõ các khái niệm, cụ thể như khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân”, vậy Nhà nước ở đây là ai? Khái niệm “toàn dân” được hiểu thế nào cho đúng, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ.

Vấn đề thứ 2 là công tác quy hoạch. Vấn đề thứ 3 là giá đất, phương pháp xác định giá đất và vấn đề thứ 4 là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Các chính sách phải đảm bảo quyền lợi cho người dân

Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng công tác lấy ý kiến đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, xuống đến khu phố, khu dân cư, sát với từng đối tượng, để ghi nhận sự đánh giá, phản biện, góp ý của từng người dân, tổ chức. Nhiều bộ ngành cũng tổ chức lấy ý kiến sát với tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…

Theo Phó Thủ tướng, những ý kiến đóng góp sát với thực tiễn, những vấn đề đang đặt ra, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý, đất đai tại địa phương như phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân trong sở hữu đất đai.

Cần tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, đồng thời, bảo đảm sự thống nhất trong các luật về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương… với Luật Đất đai nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, trên cơ sở đó thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương bảo đảm sự phối hợp thống nhất, Phó Thủ tướng cho rằng phải giải quyết mối quan hệ kế hoạch sử dụng đất đai giữa cấp tỉnh (5 năm) với cấp huyện (thực hiện hằng năm), giữa cấp huyện với cấp xã, làm cơ sở phân bổ chỉ tiêu đất đai.

Về vấn đề định giá đất, Phó Thủ tướng lưu ý phải xác định trong điều kiện ổn định bình thường với những cơ chế thu thập dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, kế thừa các phương pháp định giá cụ thể khác như so sánh, thặng dư, hiệu quả kinh doanh, định giá đất theo hệ số...

"Cần có nghiên cứu cơ bản để có bức tranh đầy đủ về phương pháp định giá đất, nhằm hài hoà, điều tiết lợi ích giữa các khu vực; có cơ chế kiểm soát hiệu quả về chính sách giá đất, hỗ trợ, đền bù để bảo đảm quyền lợi của người dân", Phó Thủ tướng nói.

Ghi nhận các ý kiến về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng cho rằng chuyển đổi đất đai song hành với chuyển đổi kinh tế, mục tiêu là mỗi dự án khi triển khai thì các chủ thể liên quan phải được hưởng lợi, trong đó người dân phải có mức sống, sinh kế tốt hơn.

Bên cạnh việc tổ chức nhiều hình thức tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về việc triển khai lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hết sức đa dạng, kỹ lưỡng, bài bản, sâu rộng, toàn diện, thiết thực.

Qua đó đánh giá năng lực tiếp thu, lắng nghe ý kiến, trí tuệ của nhân dân; đồng thời quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng thông qua Nghị quyết 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Tin liên quan

Đọc tiếp