Xây dựng thị trường carbon để đạt mục tiêu COP26

môi trường Việt nAM
07:55 - 28/09/2022
Việt Nam hướng tới xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, bền vững.
Việt Nam hướng tới xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia VIETSE, để nắm bắt các cơ hội giảm phát thải carbon hiệu quả, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp cũng như huy động nguồn lực khả thi, trong đó có việc xây dựng và vận hành thị trường carbon.

Định giá carbon - công cụ chính sách nhằm giảm tối đa phát thải khí nhà kính

Tại Tọa đàm trực tuyến "Định giá carbon - Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam", ngày 27/9, do Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức, đại diện sáng kiến này cho biết, trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng và điều này tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia gần đây nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường.

Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành VIETSE cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong dài hạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp cũng như huy động nguồn lực khả thi và sáng tạo.

"Công cụ định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, đồng thời thúc đẩy công nghệ phát thải thấp"Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE)

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

Theo bà Nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Thị trường carbon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.

Thị trường carbon đã được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành, phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và được phân bổ hạn ngạch phát thải bao gồm gần 2.000 cơ sở thuộc các ngành Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng và Tài nguyên - Môi trường.

Theo đó, thị trường carbon được kỳ vọng sẽ đóng góp vào thực hiện cam kết khí hậu quốc gia, là động lực giảm phát thải một cách hiệu quả về chi phí và mang lại nguồn tài chính để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp. Đồng thời, sẽ giúp kết nối Việt Nam với thị trường carbon quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa tương thích với những cơ chế quốc tế mới có ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Về định giá carbon, ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu chia sẻ, định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phí thấp nhất, bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính. Trong đó, thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Ông Wolfgang Mostert đánh giá: "Việt Nam có tiềm năng lớn để hình thành thị trường carbon và chứng minh hiệu quả của thị trường này trong việc giảm phát thải, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0".

Kinh nghiệm giảm phát thải carbon từ quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.

Theo ông Wolfgang Mostert, ở quy mô quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang đề xuất và chuẩn bị thí điểm thực hiện cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan tới giảm phát thải buộc doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và sẽ đánh thuế carbon trong trường hợp nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định.

Giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2023 (chưa nộp thuế thực tế) cho các ngành gồm xi măng, nhôm, phân bón, sản xuất điện, sắt và thép. Từ năm 2026, CBAM sẽ chính thức được áp dụng chính thức.

Phạm vi các ngành sản xuất phải tuân thủ CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai nên sẽ đặt ra không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và quốc tế. Tuy nhiên, việc vận hành thị trường carbon cũng sẽ là một lợi thế để các sản phẩm sản xuất nội địa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường này.

TS. Trương An Hà, Chuyên gia nghiên cứu VIETSE cho biết, với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tháng 7/2021, tại cuộc họp của Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ở Venice (Italy), lần đầu tiên các nhà lãnh đạo tài chính của G20 (Nhóm các nền kinh tế lớn) đã công nhận “định giá carbon” là một công cụ tiềm năng để giải quyết biến đổi khí hậu. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy ý tưởng và điều phối các chính sách giảm khí thải carbon trên toàn cầu.

Hiện nay, trên thế giới đã có 96/185 quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng định giá carbon. Trong năm 2019, với 61 công cụ định giá carbon được áp dụng tại 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ, 12 triệu tấn CO2 đã được kiểm soát, chiếm 22% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đến nay, đã có hơn 14.500 công ty, cơ sở tham gia định giá carbon và tạo ra hơn 4 tỉ tín chỉ carbon. Ngoài ra, việc định giá carbon còn mang lại 45 tỉ USD thu nhập ngân sách cho các nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp