Xuất khẩu hàng hóa tháng 5 giảm nhẹ do khu vực FDI giảm xuất khẩu

XUẤT KHẨU Việt nAM
10:41 - 02/06/2022
Xuất khẩu hàng hóa tháng 5 giảm nhẹ do khu vực FDI giảm xuất khẩu
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin của Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 5 ước nhập siêu khoảng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại của Việt Nam ước xuất siêu khoảng 0,8 tỷ USD.

Về xuất khẩu hàng hóa, dù đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong tháng 4, và sự thuận lợi về tỷ giá khi USD tăng mạnh còn các ngoại tệ khác như Euro, Yên Nhật lao dốc, còn tiền Đồng duy trì mức ổn định, đã tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 có sự sụt giảm so với tháng 4. Chủ yếu là do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 9,1% so với tháng trước). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước tính đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn mức tăng 30,7 % của năm 2021. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao, đạt 21,2%, cao hơn mức 14,8% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Nếu tính theo nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 5 tháng ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 12,8% cùng kỳ năm 2021, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn đã có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 ước tính đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số này của năm 2021 là 12%. Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi các thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều cá ngừ nhất của Việt Nam.

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh so với mức giảm 17,2% của năm trước. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%).

Về kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này có sự sụt giảm 9,1% so với tháng trước, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6% (chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng sản xuất của Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic, giảm khoảng 10%)...

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như giày dép các loại chỉ tăng 1,5%; dây điện và cáp điện chỉ tăng 2,1%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022 không có sự thay đổi nhiều so với năm trước, khi kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường đều có sự tăng trưởng. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 45,6 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 5/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, khí đốt và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất như than, gỗ, phân bón, titan, nhôm… tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng gia tăng, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 56,4%). Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 152,16 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 36,4% của năm 2021.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tiếp tục chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng, đạt 135,3 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, do cả sản lượng và giá nhập khẩu tăng vì nguồn cung khan hiếm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 109,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; Khí đốt hoá lỏng tăng 65,2%...

Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 39,5% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 72,4%; hóa chất tăng 30,2%; phân bón tăng 48% (riêng ure tăng 107,9%); cao su các loại tăng 32,9%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; phôi thép tăng 39%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 5 tháng ước tính tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,98 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu rau quả tăng 29,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 51,9%; chế phẩm thực phẩm khác tăng 31,3%… so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 48,9 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.