Xuất khẩu nông sản Việt Nam đặt mục tiêu kỷ lục 55 tỷ USD năm 2022

Nông Sản XUẤT KHẨU
21:33 - 28/06/2022
Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%
Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%
0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận rõ thời cơ và thách thức từ kết quả 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là 55 tỷ USD cho năm 2022, vượt 5 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao đầu năm.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và Triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 28/6, số liệu cho thấy, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, tác động của xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu đẩy giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, nhưng ngành nông nghiệp vẫn hoàn thành nhiều mục tiêu.

Trong số này có tăng trưởng GDP cao trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt thặng dư thương mại tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; số xã, huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cũng như số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều tăng.

Từ những kết quả đã đạt trong 6 tháng đầu năm, nhìn nhận rõ thời cơ, thách thức, Bộ NN&PTNT đặt nhiều mục tiêu bằng hoặc vượt Chính phủ giao trong 6 tháng cuối năm 2022. Về sản xuất, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành hướng tới đạt 2,8 - 3,0% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%), giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9 - 3,1%.

Trong đó giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,5%; sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm trên 1,9 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản trên 8,7 triệu tấn; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 được đặt mục tiêu khoảng 55 tỷ USD (vượt 5 tỷ USD so với Chính phủ giao).

Để đạt mục tiêu trên, toàn ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tác động vào nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao, qua đó bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu xuất khẩu. Cụ thể là các nông sản chính đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD và thủy sản 10 tỷ USD.

Ổn định sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng

Tổng kết sản xuất 6 tháng đầu năm, báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, về trồng trọt, cả nước gieo cấy khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, năng suất gieo trồng 65,1 tạ/ha, giảm khoảng 1,8 tạ/ha, sản lượng khoảng 23,17 triệu tấn. Trong đó đã thu hoạch xong vụ đông xuân với diện tích gieo trồng trên 2,99 triệu ha, năng suất 66,7 tạ/ha, giảm 1,9 tạ/ha, sản lượng gần 20 triệu tấn, giảm khoảng 661 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2021.

Về chăn nuôi, tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,4 triệu tấn. Trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; đàn bò tăng 2,2%; sản lượng thịt 241,2 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10,1%; đàn gia cầm tăng 1,2%; sản lượng thịt hơi 980,7 nghìn tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%, chăn nuôi tăng 5,7%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%. Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%; trong đó nông nghiệp tăng khoảng 2,2%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,8%; thủy sản tăng khoảng 4,05%.

Về thủy sản, vượt qua "bão giá" xăng dầu, ngư dân đã tích cực tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTPP và EVFTA. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản định hướng theo đúng mục tiêu tăng cường nuôi trồng, giảm cường lực khai thác. Trong đó, sản lượng khai thác 1,93 triệu tấn, giảm 2,6%; sản lượng nuôi trồng 2,27 triệu tấn, tăng 7,4%.

Về sản xuất muối, diện tích sản xuất ước đạt 11.193ha; trong đó muối thủ công 7.753ha, muối công nghiệp 3.540ha. Sản lượng khoảng 396,35 ngàn tấn; lượng tồn trong diêm dân và doanh nghiệp khoảng 255,37 ngàn tấn.

Về lâm nghiệp, cả nước chuẩn bị 860 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; diện tích rừng trồng mới tập trung 119,2 nghìn ha, tăng 6,0%. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát chất lượng đạt khoảng 90%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán gần 50 triệu cây, tăng 31%. Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tập trung gần 8,5 triệu m3, tăng 5,9%; sản lượng củi khai thác trên 9,5 triệu ste, tăng 0,6%.

Thặng dư toàn ngành tăng gấp 2 lần

Nhờ chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, ASEAN, Australia - New Zealand, Trung Đông).

Đồng thời, Bộ NN&PTNT phối hợp các Bộ, ban, ngành liên quan đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Mỹ.

Nhờ một loạt giải pháp đồng bộ, kịp thời, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.

Đóng góp vào thành công đó, 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất); trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Cụ thể cao su (tăng 9,2% khối lượng, 12,2% giá trị), cà phê (tăng 21,7% khối lượng, 49,7% giá trị), gạo (tăng 16,2% khối lượng, 4,6% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 13,2% khối lượng, 28% giá trị).

Hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã được ngành nông nghiệp duy trì tốc độ xuất khẩu. Với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).

Song song với xuất khẩu, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với các tỉnh biên giới xử lý tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương, nhất là trên các sàn thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị lớn; hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin liên quan

Đọc tiếp