Xuất khẩu sang Thái Lan đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua

Giao thương THÁI LAN
07:35 - 22/06/2022
Xuất khẩu sang Thái Lan đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt gần 3 tỷ USD. Đây được ghi nhận là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 2,5 tỷ USD).

Theo thương vụ việt Nam tại Thái Lan, hàng hóa của Việt Nam chiếm 6% thị phần nhập khẩu hàng hóa của Thái Lan. Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử, sắt thép các loại, hàng thủy sản, dệt may và hóa chất…

Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác đạt kim ngạch lớn nhất.

Với các sản phẩm nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt 138 triệu USD, tăng 2,4%; hàng rau quả đạt 43 triệu USD, giảm 18%; hạt điều đạt 21 triệu USD, giảm 6%…; cà phê đạt 18,7 triệu USD, giảm 13%…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 5,4 tỷ USD).

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp như ô tô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng điện gia dụng. Ngoài ra còn có các nguyên liệu như vải các loại, chất dẻo nguyên liệu hóa chất…

Đối với nông sản, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các sản phẩm nông sản chính như hàng thủy sản, hàng rau quả, ngô, sữa và sản phẩm sữa.

Thái Lan hiện là một trong những thị trường có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. 03 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%.

Trong vòng 16 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt giá trị cao nhất vào năm 2018 là 18,61 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan.

Sang năm 2019 và năm 2020, do ảnh hưởng bởi hạn hán tại Thái Lan và tình hình dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm, đặc biệt là đối với kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Thái Lan. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua luôn ở trạng thái không cân bằng với mức thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam.

Lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Thái Lan

Theo ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (phát biểu tại phiên tư vấn xuất khẩu sang Lào và Thái Lan do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức) mới đây cho biết, với dân số hơn 70 triệu người và mức GDP bình quân/người đạt khoảng 7.000 USD, Thái Lan là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan cũng như các kênh phân phối chính của thị trường này.

Ông Nguyễn Thành Huy phát biểu onlien tại phiên tư vấn.

Ông Nguyễn Thành Huy phát biểu onlien tại phiên tư vấn.

Hiện, Thái Lan đang duy trì 4 kênh phân phối chính, bao gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh phân phối có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói, cho nên doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn kênh phân phối để đưa ra chiến lược truyền thông phù hợp.

Người tiêu dùng Thái Lan khá ưa chuộng các sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Giải thích về điều này, thương vụ cho biết, người Thái Lan có văn hóa ăn nhiều bữa phụ và người Thái tương đối bận rộn nên nhu cầu về các sản phẩm chế biến sẵn và kích thước đa dạng lớn nhằm phù hợp với từng đối tượng.

Người tiêu dùng Thái Lan cũng ưu tiên các sản phẩm tốt cho sức khỏe như ít đường, ít dầu.

Mặt khác, Thái Lan là quốc gia tương đối phát triển ngành nông nghiệp trong nước, đồng thời có các chính sách bảo hộ với ngành công nghiệp thực phẩm nội địa. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt nếu không có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể thì rất khó cạnh tranh tại Thái. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững tại thị trường này.

Xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong mua sắm khá phổ biến với người tiêu dùng Thái Lan, nên doanh nghiệp có thể tận dụng chuyển đổi số, xuất khẩu xuyên biên giới qua các sàn thương mại điện tử uy tín.

Khi xuất khẩu hàng hóa vào Thái Lan, doanh nghiệp cũng cần lưu ý về quy trình 6 bước của thị trường này. Cụ thể, doanh nghiệp cần đăng ký hải quan hoặc liên hệ với bên doanh nghiệp vận chuyển; kiểm tra yêu cầu nhập khẩu của cơ quan chức năng Thái Lan và căn cứ theo mã HS; chuẩn bị nộp giấy tờ theo yêu cầu; thanh toán thuế theo yêu cầu; kiểm tra theo yêu cầu của hải quan nếu có; hoàn tất thủ tục hàng hóa.

Phía thương vụ thông tin, khi xuất khẩu hàng hóa nên tìm các doanh nghiệp địa phương làm thủ tục nhập khẩu, để hàng hóa có thể được thông quan nhanh hơn. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp gặp phải một số đối tác lừa đảo. Do vậy, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ các đối tác trước khi xuất hàng hoặc thông qua thương vụ để tìm hiểu về đối tác.

Tin liên quan

Đọc tiếp