4 tỉnh thành khơi thông dòng chảy thương mại trên trục cao tốc phía Đông

KINH TẾ quảng ninh
08:35 - 29/07/2022
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022 sẽ kết nối 4 địa phương với khu vực kinh tế biên mậu giàu tiềm năng của Quảng Ninh.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022 sẽ kết nối 4 địa phương với khu vực kinh tế biên mậu giàu tiềm năng của Quảng Ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng nằm trên trục cao tốc phía Đông, việc kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên sẽ tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động, cùng không gian rộng lớn, sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế giúp thu hút hơn nữa các dự án đầu tư.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông diễn ra chiều 28/7 tại TP Hạ Long, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên) và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Đây là một sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI nhận định, 4 địa phương cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hiện nay có lợi thế kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước khi có trục cao tốc phía Đông đi qua cả 4 tỉnh, nối một đầu là thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ. Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị của 4 tỉnh với 3 sân bay quốc tế trong vùng và hệ thống các cảng biển quốc tế.

Quan trọng hơn, theo ông Phạm Tấn Công, cả 4 địa phương đều cho thấy sự năng động trong phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh được đánh giá là thuận lợi hàng đầu Việt Nam. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là những địa phương có xếp hạng cao và tiến bộ mạnh mẽ nhất cả nước. Bộ máy chính quyền của cả 4 địa phương đều được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hợp tác khai thác thế mạnh từng địa phương

Chia sẻ về thế mạnh của địa phương giúp thúc đẩy kết nối trục cao tốc phía Đông, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, Quảng Ninh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á.

Những năm qua, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 10,12%/năm, năm 2021 dù chịu tác động của Covid-19 vẫn đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng). Năm 2021 quy mô GRDP đạt 238.186 tỷ đồng, gấp 19 lần so với năm 2005 (12.633 tỷ đồng), đứng thứ 3 vùng Đồng bằng Sông Hồng (sau Hà Nội, Hải Phòng) và đóng góp 9,3% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính liên tục được cải thiện…

Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Để đẩy mạnh hoạt động kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông trên cơ sở tiềm năng và lợi thế riêng có của từng tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị các tỉnh cần tạo liên kết vững chắc trong phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ và đầu tư, thương mại. Như tập trung phối hợp, hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận di sản thế giới;

Hợp tác triển khai một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022 – 2025 như: Dự án Cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (thành phố Hải Phòng), kết nối thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều...;

Tiếp tục báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xem xét sớm đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (quy hoạch quy mô tối thiểu 4 làn xe), hoàn chỉnh tuyến dự án Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và khôi phục tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.

Về phía Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, Hải Phòng với giao thông đồng bộ, đủ 5 loại hình, trong đó có lợi thế riêng về cảng biển cũng như phát triển hệ thống logistics. Những năm qua, thành phố cũng rất chú trọng vấn đề kết nối vùng nên luôn sẵn sàng hợp tác với các địa phương để khai thác thế mạnh, hướng tới vận tải đa phương thức.

Ông Tùng cho biết, các tỉnh trên trục cao tốc kinh tế phía đông Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cùng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của trục kinh tế như: Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực (đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cầu Đuống để nâng cao năng lực các tuyến vận tải hàng hóa đường thủy, đặc biệt là hàng container).

Bốn địa phương cần đẩy mạnh hợp tác trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu để khai thác có hiệu quả các lợi thế nổi bật của mình; hợp tác phát triển thị trường dịch vụ logistics theo hướng cạnh tranh, minh bạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn 4 địa phương… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng

Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ, ý tưởng ban đầu của Hải Dương khi tham gia diễn đàn cũng xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy kết nối trong giao thông và dịch vụ hậu cần logistics. Do quá trình chia tách, sáp nhập hành chính từ thời kỳ trước nên hiện Hải Dương không có biển.

Tuy nhiên, giao thông đường thủy có lợi thế đặc biệt về năng lực vận tải, chi phí vận tải, cung đường… nên tỉnh xác định phát huy các lợi thế đó để tiếp cận nhanh nhất đến các cửa biển Lạch Huyện, Lạch Tray, Văn Úc. Ông Hùng mong muốn Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có chia sẻ để Hải Dương hướng ra biển.

Chủ tịch Hải Dương nhấn mạnh, tỉnh còn nhiều dư địa để liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành thuộc trục cao tốc phía Đông, cũng như các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng 5 KCN và mở rộng 1 KCN với hơn 1.200 ha sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngay trong năm 2022. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực với tổng diện tích trên 10.000 ha và đề nghị Chính phủ cho phép thành lập 1 khu kinh tế chuyên biệt. Đây thực sự là 1 điểm đến đầu tư đáng quan tâm của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, với dân số trên 2 triệu người (lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là gần 1 triệu người), 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Hải Dương hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế trong tỉnh cũng như liên kết đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực với các tỉnh.

Thỏa thuận hợp tác được ký kết và triển khai thực hiện sẽ tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư và hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng hiệu quả của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và 4 tỉnh, thành thuộc trục cao tốc phía Đông nói riêng. Các tỉnh, thành và VCCI cần tiếp tục cụ thể hoá bằng các các chương trình, kế hoạch hoạt động được xây dựng riêng cho từng hoạt động, có sự đồng thuận, thống nhất của các bên tham gia để mang lại hiệu quả thực tiễn. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, Hưng Yên là tỉnh có xuất phát điểm thấp nhất trong 4 tỉnh, đi lên từ thuần nông. Năm 1997 thu ngân sách chỉ dưới 100 tỷ đồng. Nhưng với nỗ lực vượt khó vươn lên, Hưng Yên đã ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, thu ngân sách đạt 26.000 tỷ đồng.

Bên cạnh nông nghiệp thì thế mạnh của tỉnh còn là chế biến nông sản, phát triển công nghiệp. Hưng Yên nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và nằm trên trục phát triển phía Đông, có lợi thế gần Hà Nội. Về phát triển công nghiệp, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã giải phóng 500ha các KCN bàn giao cho doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2022 sẽ giải phóng 1.000ha đất KCN, đẩy mạnh cơ hội tiếp nhận dự án trong và ngoài nước.

Về chế biến nông sản, Hưng Yên có khát khao chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giá trị canh tác trên 1ha đất nông nghiệp hiện đạt 215 triệu đồng/1ha, còn cá thể thì rất cao. Bên cạnh các đặc sản như vải trứng, nhãn lồng còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ chế biến còn ở trình độ thấp nên chưa tạo ra giá trị vượt trội.

Vì vậy, ông Trần Quốc Văn kỳ vọng sau Thoả thuận liên kết kinh tế, các doanh nghiệp tại các địa phương sẽ được giới thiệu để đầu tư phát triển ngành chế biến nông sản cho Hưng Yên.

Đã là liên kết thì phải liên kết thực sự. Kết nối những vấn đề doanh nghiệp không làm được như hệ thống đường gom, đường giao thông. Về phía Hưng Yên cũng sẽ nỗ lực để phối hợp với các tỉnh trong phát triển hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, kết nối doanh nghiệp…Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn

Nếu thành công sẽ trở thành mô hình thử nghiệm về mặt thể chế

Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, việc 4 địa phương ký Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông là hành động rất cụ thể, rất quyết liệt trong triển khai các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt trong giai đoạn 2020-2030 đều nhấn mạnh đến việc phải liên kết vùng, từ đó tìm ra các mô hình, thể chế phát triển sự liên kết.

Theo ông Hiếu, liên kết có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế qua việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả, hỗ trợ nhau thu hẹp khoảng cách, cùng hợp tác giải quyết các thách thức... Nhưng ý nghĩa lớn hơn là nếu thành công thì đây sẽ trở thành mô hình thử nghiệm về mặt thể chế cho việc triển khai, nhân rộng tại các địa phương khác, thậm chí có thể luật hoá để tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc.

Tôi tin rằng mô hình liên kết giữa 4 địa phương sẽ thành công. Vì theo kinh nghiệm so sánh của tôi từ các mô hình đâu đó có điểm tương đồng thì mô hình này có nhiều điểm khác biệt. Đó là thể hiện nhu cầu tự nhiên, 4 địa phương tự tìm đến với nhau chứ không có sự chỉ đạo, ép buộc nào cả; các yếu tố cộng hưởng, lan toả, chia sẻ rất nhiều thuận lợi, từ hạ tầng, con người đến chất lượng điều hành. Ngoài ra, thiết kế bộ máy để gắn kết đều khoa học, mang tính chất dài hạn, giảm tính hình thức. Ông Phan Đức Hiếu

Vì nhu cầu liên kết xuất phát từ thực tiễn nên theo ông Hiếu, yếu tố quyết định nhất là hành động. Sau khi tạo ra khuôn khổ về hợp tác, phát triển thì VCCI, các tỉnh cần có hoạt động cụ thể thiết thực để sớm cho thấy hiệu quả của liên kết.

Trong phần trình bày đề án Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, 4 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương thuộc nhóm địa phương tăng trưởng nhanh hàng đầu (bình quân 9,5%/năm) và có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Trong đó, mỗi địa phương có thế mạnh, lợi thế riêng. Việc liên kết tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn, khơi thông dòng chảy thương mại đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ có chất lượng hơn.

4 tỉnh liên kết sẽ mở ra không gian phát triển rộng với nhiều lợi thế. VCCI

4 tỉnh liên kết sẽ mở ra không gian phát triển rộng với nhiều lợi thế. VCCI

Mục tiêu cụ thể của đề án cho giai đoạn 2022-2025 là: Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư; Tăng cường chất lượng quản trị kinh tế; Xúc tiến thương mại và đầu tư; Kết nối hạ tầng giao thông; Liên kết cộng đồng doanh nghiệp.

Các nội dung liên kết chính gồm: Liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư; Liên kết giao thông và logistics; Liên kết trong phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; Liên kết trong phát triển du lịch; Liên kết trong cải thiện môi trường kinh doanh; Liên kết trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; Liên kết trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Liên kết trong nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp