'Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu'

QUỐC HỘI Việt nAM
14:30 - 22/05/2023
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Ủy ban Kinh tế đề nghị, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời.

Tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn, nhưng Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm một chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%).

"Đáng lưu ý là cả hai chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Thêm vào đó, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng, bán cổ phần giá thấp cho nước ngoài

Năm 2023, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.

Tuy nhiên, ông Thanh nhìn nhận, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nhiều vấn đề, như việc tăng trưởng GDP quý 1 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. "Điều này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% là rất khó khăn", ông Thanh nêu.

Ông Thanh cho biết, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, thậm chí bán rẻ cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Nợ xấu có xu hướng tăng

Cũng tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế nêu một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vướng mắc, bất cập trên thị trường trái phiếu, bất động sản.

Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhất trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3/2023 lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường trong thời gian tới.

Đáng nói, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính. Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn có phần hạn chế; tình trạng "sở hữu chéo", tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" còn phức tạp.

"Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại", Uỷ ban Kinh tế nêu.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời.

Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép và linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác với liều lượng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng nhưng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh việc xây dựng tiêu chí và phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng theo tinh thần Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu. Khẩn trương rà soát, sửa đổi những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu. Rà soát, sửa đổi cơ chế giá điện cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đọc tiếp