Bất động sản trở lại dẫn sóng thị trường, VN-Index cần thêm xúc tác để bứt phá

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
06:20 - 27/03/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần qua, cổ phiếu bất động sản đã trở lại vị trí đầu kéo cho chỉ số thị trường, giúp VN-Index tăng gần 30 điểm. Lần lượt các mã NVL, VIC, VHM, PDR đều có mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất.

VN-Index kết thúc một tuần giao dịch tích cực ở mức điểm 1.498,5, tăng 29,4 điểm so với cuối tuần trước. HNX-Index cũng tăng 10,5 điểm, lên 461,75 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt gần 780 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 13,64% so với tuần trước. Tổng giá trị đạt hơn 130.110 tỷ đồng, tăng 14,8%. Sàn HNX đạt trung bình hơn 120 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 16.43% so với tuần trước. Tổng giá trị đạt hơn 19.369 tỷ đồng, tăng 20,2%.

Sự hồi phục của VN-Index có sự đóng góp của nhiều nhóm ngành chủ chốt như bất động sản, xây dựng, chứng khoán… Trong đó, bất động sản là đầu tầu với nhiều mã lớn tăng tốt, như NVL +8,4%, PDR bứt phá +10,8%; bộ đôi VIC và VHM cũng tăng lần lượt ở mức 2,8% và 1,7%. DXG, ITA, NLG, FLC, IJC… cũng tăng tốt.

Đáng chú ý trong nhóm này có hai cổ phiếu giao dịch đột biến là NVT (Ninh Vân Bay) và QCG (Quốc Cường Gia Lai). Hai mã có nhiều phiên tăng hết biên độ từ sớm. Đối với NVT, đây là tuần thứ hai liên tiếp lọt vào Top cổ phiếu tăng cao nhất sàn với tỷ lệ 28,3%. Trong tuần qua, thông tin đáng chú ý về Ninh Vân Bay là thông tin bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc mới - Hoa hậu Ngọc Hân.

Còn Quốc Cường Gia Lai cũng đón tin tốt khi Cơ quan Cảnh sát điều tra TP HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với nguồn tin về tội phạm theo đơn trình báo của CTCP Đầu tư Sunny Island. Trước đó, Sunny Island có đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc QCG về hành vi gian dối tình trạng pháp lý dự án.

Bên cạnh bất động sản, nhóm xây dựng, bán lẻ và thuỷ sản cũng ghi nhận tín hiệu khả quan trong tuần qua. Ở nhóm xây dựng, FCN tăng 2%, DPG tăng 2,8%, HT1 tăng 4,2%, BMP tăng 4,4%, HBC tăng 4,7%, cTD và CRT tăng 5,5%, BTS tăng 5,7%, CII tăng 6,5%... Còn nhóm bán lẻ, thị giá hai “ông lớn” trong ngành là MSN và MWG lần lượt tăng hơn 7% và gần 6%, nhiều mã khác cũng ở chiều tăng. Tại nhóm thuỷ sản, IDI bứt phá tăng 16,3%, VHC tăng gần 13%, CMX tăng 10,4%, ANV tăng 8 %...

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng trở thành nguyên nhân chính khiến đà tăng của chỉ số bị chững lại. Có đến 4 cổ phiếu ngân hàng nằm trong top 10 cổ phiếu tiêu cực nhất, bao gồm VCB, CTG, BID và MBB. Trong đó, VCB và CTG có tổng cộng gần 3 điểm kéo giảm.

Cần thông tin đủ mạnh để chuyển biến dòng tiền

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp trong bối cảnh mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt bằng một thỏa thuận trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, giá dầu trong tuần qua cũng biến động mạnh khi giảm vào đầu tuần, tăng trở lại vào giữa tuần và lại điều chỉnh giảm về cuối tuần sau khi EU ra quyết định không cấm vận dầu nước Nga. Điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường gia tăng.

Trong bối cảnh hiện tại, SHS cho rằng, thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn mà có lẽ sẽ thiên về giằng co và tích lũy nhiều hơn. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 28/3-1/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480-1.520 điểm để tích lũy nền giá chờ thời cơ bứt phát trở lại.

SHS khuyến nghị, các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường kiểm tra vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm. Quyết định mua thêm chỉ hợp lý nếu thị trường có nhịp giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm một lần nữa.

Chứng khoán SSI nêu quan điểm, chỉ số VN-Index đã liên tục thoái lui khi tiệm cận vùng kháng cự 1.500 - 1.520 điểm nên nhịp điều chỉnh nhẹ từ vùng kháng cự nói trên vẫn còn khả năng tiếp diễn. Dù vậy, việc khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp trong các phiên điều chỉnh cho thấy chỉ số VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại trong một vài phiên tới.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, VN-Index chưa thể lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn dao động trên vùng hỗ trợ 1.485 – 1.495 điểm. Nếu thị trường đi ngang kéo dài như hiện tại thì cơ hội chỉ tập trung ở một vài nhóm ngành có câu chuyện riêng, còn để cả thị trường có một xu hướng mới thì cần phải có những thông tin đủ mạnh để tạo ra sự biến chuyển của dòng tiền.

Tuần tới, nhà đầu tư có thể tiếp tục lưu ý đến nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh quý 1 khả quan nhờ được hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản như thép, thủy sản, dệt may, gạo, phân bón…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.