Nỗi lo lạm phát và Fed tăng lãi suất tác động như thế nào đến chứng khoán

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
23:27 - 22/03/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chính thức tăng lãi suất với tỷ lệ 0,25%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tuyên bố lãi suất sẽ được nâng lên cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát. Vấn đề này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Mỹ đang trải qua thời kỳ lạm phát cao nhất trong 40 năm trở lại đây. Ngoài tác động của đại dịch thì việc bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế để chống lại ảnh hưởng của Covid cũng là một nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Cụ thể, cả Fed và Quốc hội Mỹ đã bơm hơn 10.000 tỷ USD kích thích tiền tệ và tài khoá vào nền kinh tế Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed, ông vẫn tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm dần về mục tiêu của Fed, nhưng giờ là lúc cần phải kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Chính vì vậy, sau đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm, Fed đã phát tín hiệu sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất trong năm nay, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, một số quan chức Fed, như ông James Bullard – Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis – cho rằng Fed cần nâng lãi suất nhanh hơn, mạnh hơn.

Khi cuộc xung đột Nga - Kraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì nỗi lo lạm phát lại càng gia tăng khi giá hàng hoá liên tục leo thang. Trên lý thuyết, khi tiền mất giá thì việc cất giữ vào các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, cổ phiếu sẽ bảo đảm giá trị hơn. Nhưng trên thực tế có đúng như vậy?

Trong chương trình Bàn tròn chuyên gia mới đây của VNDirect, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, thực tế các đợt Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ đều trong xu hướng tăng. Như gần đây nhất là các đợt tăng từ năm 2008 đến 2019, chỉ số DJIA tăng 213,7%; S&P 500 tăng 243,1%; Nasdaq tăng 442%.

Tất nhiên, đó là với kịch bản lạm phát không quá cao và các đợt tăng lãi suất không quá mạnh. Còn với tình hình hiện tại, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng hàng hoá thì việc lạm phát tăng nhanh và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Còn tại Việt Nam, TS Cấn Văn Lực vẫn lạc quan với kịch bản lạm phát trong mức kiểm soát, tức là chỉ tăng khoảng 4% hoặc hơn một chút. Ông cũng dự đoán chiến sự ở châu Âu sẽ sớm kết thúc khi cả hai bên đang chịu thiệt hại lớn và đẩy mạnh đàm phán. Khi đó, giá hàng hoá sẽ bình ổn và vấn đề lạm phát cũng dễ kiểm soát hơn.

Từ nhận định trên, ông Lực đánh giá chứng khoán Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng. Đặc biệt là khi nền kinh tế đang phục hồi tốt nhờ hai trụ cột là Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Những diễn biến mới về chiến sự Nga – Kraine, lạm phát, giá cả hàng hoá, vấn đề minh bạch, thao túng giá… vẫn là những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến thị trường, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao.

Khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán và đầu tư, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investmet (công ty đầu tư) cho biết bản thân ông khi đầu tư cũng nhận định trong quá khứ, khi Fed tăng lãi suất thì thị trường chứng khoán đều phản ứng tích cực. Bởi việc tăng này diễn ra từ từ trong chu kỳ dài với tình trạng lạm phát ở mức thấp.

Nhưng kịch bản đó có thể không lặp lại nếu lạm phát tăng quá mạnh, việc tăng lãi suất từ từ không thể kiểm soát. Các động thái của Fed gần đây đều cho thấy cơ quan này đã bắt đầu lo lắng về vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát lên tới hai con số thì chính sách tiền tệ sẽ phải thắt chặt hơn nữa. Lợi nhuận doanh nghiệp không bù đắp được lãi suất thì dòng tiền sẽ rút khỏi kênh đầu tư cổ phiếu để tìm nơi trú ẩn an toàn hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn cần bám sát. Thị trường những phiên vừa qua đang cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư về sự kiện này, rằng sẽ sớm kết thúc và đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo. Nhưng trong đầu tư, kịch bản xấu cũng luôn cần chuẩn bị để không bị “sập hầm”. Khi thị trường lao dốc, các cổ phiếu tăng mạnh thời gian trước sẽ rơi rất mạnh.

Nhận định về xu hướng đầu tư chứng khoán trong bối cảnh lo sợ lạm phát và Fed tăng lãi suất, ông Lã Giang Trung cho rằng những ngành phục hồi sau dịch sẽ có triển vọng. Tuy nhiên hiện tại không còn ngành hấp dẫn, nhà đầu tư muốn tối ưu lợi nhuận thì phải lọc cổ phiếu.

Ông Trung lưu ý có hai nhóm cần thận trọng khi tham gia vào giai đoạn này. Một là hàng hóa, do biến động lớn theo tình hình chiến sự, hai là nhóm có đầu vào là hàng hóa, tuy định giá thấp nhưng vẫn rủi ro. Các nhóm không liên quan như ngân hàng, công nghệ, bán lẻ… sẽ an toàn hơn.

Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investmet.

Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investmet.

Còn TS Cấn Văn Lực nhận định, ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và du lịch là 4 ngành chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam năm nay. Trong đó, ngân hàng vừa trải qua 2 năm tăng trưởng đột phá, năm nay có thể giảm lợi nhuận do lãi suất đầu vào tăng trong khi đầu ra được Chính phủ yêu cầu giữ nguyên để hỗ trợ hồi phục kinh tế. Các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh các hoạt đồng khác để bù đắp cho mảng này.

Còn bất động sản vẫn là thị trường tiềm năng trong thời gian tới, nhưng tùy phân khúc. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp vẫn có triển vọng tốt nhất, tỷ lệ cho thuê đã lấp đầy khoảng 75% vào năm ngoái. Bên cạnh đó là cơ hội khi các doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi đầu tư do ảnh hưởng bởi chiến sự.

Bất động sản nhà ở cũng sôi động khi nhu cầu lớn cả về ở và đầu cơ, trong khi bất động sản nghỉ dưỡng dần phục hồi cùng du lịch, khoảng 50% - 60% trong năm nay. Kém khả quan nhất là bất động sản cho thuê, khi làm việc, mua sắm online vẫn đang là xu hướng trong bối cảnh đại dịch.

Theo ông Lực, hiện tại, nhà đầu tư cần đa dạng hóa đầu tư: Tiền gửi, bất động sản, chứng khoán… Sử dụng đòn bẩy tài chính hết sức thận trọng và cần gia cố kiến thức trước khi tham gia các kênh đầu tư, nhất là chứng khoán. Việc “lướt sóng” mà không có kiến thức sẽ cực kỳ rủi ro.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.