Bị tòa mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đang kinh doanh ra sao

DLG Gia Lai
11:57 - 13/10/2023
Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong những doanh nghiệp lớn tại Gia Lai.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong những doanh nghiệp lớn tại Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu năm 2023, tình hình kinh doanh của Đức Long Gia Lai đã có sự khởi sắc, tuy nhiên công ty vẫn đang lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng và bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Ngày 13/10, TAND tỉnh Gia Lai đã nhận được đơn khiếu nại của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG)về quyết định mở thủ tục phá sản của tòa này ban hành ngày 9/10, theo PLO.

Trong đơn, ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai đề nghị TAND tỉnh Gia Lai thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10 hoặc ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản.

Ông Cọt cho rằng, theo yêu cầu của TAND tỉnh Gia Lai tại thông báo ngày 25/7, DLG đã có công văn số 97/ĐLGL-VP ngày 9/8 giải trình về việc giải quyết công nợ với Công ty Cổ phần Lilama 45.3 và khả năng thanh toán công nợ của công ty. Đồng thời, cung cấp cho tòa án báo cáo tài chính các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, qua đó thể hiện rõ việc công ty có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.

Lãnh đạo DLG lập luận thêm, Đức Long Gia Lai là công ty đại chúng, cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE với gần 50.000 cổ đông và vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng.

Do vậy, số nợ của Công ty Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của Đức Long Gia Lai. Hiện nay, công ty đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án nên tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng với quy định.

Ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng giám đốc DLG.

Ông Nguyễn Tường Cọt - Tổng giám đốc DLG.

Trước đó, ngày 25/7, Công ty Lilama 45.3 có đơn gửi TAND Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng. Thụ lý đơn, Tòa yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, Đức Long Gia Lai phải xuất trình các giấy tờ gồm: Báo cáo tài chính ba năm gần nhất, bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục công ty mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán...

Trong văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM sau đó, lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho rằng công ty gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga – Ukraine... Tuy nhiên công ty không bị mất khả năng thanh toán. Công ty đã thiện chí làm việc với Lilama 45.3 đề ra lộ trình trả nợ và sẵn sàng trả sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán nhưng phía công ty đối tác chưa đồng ý.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng tại phố núi Gia Lai. Ngoài mảng truyền thống là sản xuất, chế biến gỗ - đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản..., công ty định hướng giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung chủ lực vào bốn lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử.

6 tháng đầu năm 2023, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu 512 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 34 tỷ đồng, chuyển biến tích cực hơn so với khoản lỗ 361 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua, doanh nghiệp vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 2.040 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty đạt hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 4.570 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính (gần 3.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu 1.133 tỷ đồng.

Ở báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai, do chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của tập đoàn hay không.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.