Bộ Công Thương: Không còn tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ

Xăng Dầu Công Thương
07:50 - 27/12/2022
Bộ Công Thương: Tình hình nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không còn tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Ảnh: Quách Sơn
Bộ Công Thương: Tình hình nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không còn tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội nghị Tổng kết ngành Công Thương năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, nhờ các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng, tình hình nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản ổn định.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương.

Bộ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu như chỉ đạo các thương nhân sản xuất và thương nhân đầu mối kinh doanh tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường.

Đối với các thương nhân sản xuất, Bộ đề nghị tăng công suất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường. Đồng thời, dự tính nhu cầu thị trường và thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Bộ Công Thương cũng cho biết đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu.

Đến nay, sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ”.

Bộ Công Thương

Nhằm giữ thị trường xăng dầu trong nước trong sạch, ổn định, Bộ Công Thương đã triển khai 2 Đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh.

Kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết. Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng.

Nhận định trong năm tới, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm… sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của ngành.

Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường công tác sản xuất, không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu như dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu... Thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh theo tháng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối, đề xuất các giải pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Tăng cường triển khai công tác hậu kiểm, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Nhằm thực hiện đồng bộ công tác chuyển đối số, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia cho khoảng 400 thương nhân (đầu mối sản xuất, đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu từ 2 tỉnh, thành phố) trên cả nước.

Cũng về vấn đề cung ứng xăng dầu, tại họp báo chuyên đề của Tổng cục Dự trữ Nhà nước ngày 26/12, bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đánh giá, từ đầu năm 2022, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, nguồn cung có nhiều bất ổn dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Do đó, việc tăng mức dự trữ xăng dầu rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo bà Giang, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, sản xuất cung ứng xăng dầu về dự trữ lưu thông là 15 - 20 ngày, dự trữ sản xuất khoảng 90 ngày. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đáp ứng được 7 ngày sử dụng.

Do đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính đang thảo luận mức dự trữ xăng dầu quốc gia phù hợp để có ý kiến cùng Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp