Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp về rủi ro trong xuất nhập khẩu

XNK Việt nAM
16:54 - 23/03/2022
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp về rủi ro trong xuất nhập khẩu
0:00 / 0:00
0:00
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào nền kinh tế Nga đã gần như cô lập nước này khỏi hệ thống thương mại thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thận trọng khi thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu với Nga trong bối cảnh hiện nay. 

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) mới đây đã có Công văn số 151/PVTM-P3 gửi 8 Hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Thép Việt Nam; Hiệp hội Phân bón Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Nhôm Việt Nam; Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM; Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, khuyến cáo rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo công văn, thời gian gần đây, trong bối cảnh quan hệ Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, một số quốc gia đã có những thay đổi trong chính sách thương mại liên quan tới Nga như cấm và tạm ngừng xuất – nhập khẩu, thậm chí hủy bỏ quy chế tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với nước này.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ Nga để sản xuất và xuất khẩu sang một số nước khác. Vì vậy, Cục khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần theo dõi sát chính sách của các nước liên quan, cân nhắc kỹ việc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia chịu các biện pháp trừng phạt về thuế quan và thương mại để sản xuất hàng xuất khẩu sang các quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt đó

Các nguyên liệu đầu vào cần lưu ý bao gồm thép cán nóng, gỗ nguyên liệu, cá đông lạnh, nguyên liệu sản xuất phân bón, kali, lúa mỳ, nhôm hợp kim và không hợp kim.

Doanh nghiệp nên tham khảo kỹ đối tác nhập khẩu về các vấn đề có liên quan trước khi ký kết hợp đồng và nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán.

Đặc biệt, đề nghị các doanh nghiệp không thực hiện các hành vi gian lận xuất xứ hoặc giúp bên thứ ba chuyển tải hàng hóa để né tránh các biện pháp trừng phạt.

Những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải như không có phương tiện vận chuyển do các hàng vận chuyển lớn đều không nhận vận chuyển hàng tới Nga do lo sợ cấm vận. Và các ngân hàng của Nga hiện đã bị xóa khỏi hệ thống SWIFT (Hội Viễn Thông Tài Chính Liên Ngân Hàng Thế Giới) dẫn tới rất khó để thanh toán.

Ngoài ra, đồng Rúp đang bị mất giá nghiêm trọng, tỷ giá bấp bênh nên việc thanh toán bằng đồng nội tệ Nga cũng tiềm ẩn những rủi nhất định. Bên cạnh đó, ở một số quốc gia, hàng hóa của Nga hoặc xuất xứ từ Nga đã không còn được chấp nhận trên thị trường, vì vậy, doanh nghiệp cũng cần lưu ý điều này.

Theo Fortune, tỷ giá phân bón Bắc Mỹ của Green Markets cho thấy giá phân bón tuần trước cao hơn gần 10% so với tuần trước đó, và là mức giá cao nhất từng được ghi nhận. Giá phân bón hiện cao hơn 40% so với thời điểm một tháng trước, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.

Còn ở thị trường trong nước, giá phân bón cũng đã chứng kiến lần tăng giá thứ 3 liên tiếp. Giá ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; phân DAP khoảng 18.500-19.000 đồng/kg; NPK dao động từ 16.000-16.500 đồng/kg...

Nguyên nhân của việc tăng giá này là do Nga và Belarus, 2 quốc gia cung cấp một lượng lớn phân bón và nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón là Ure và Kali, đã ngừng xuất khẩu các sản phẩm này trước những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp