Bộ GD&ĐT: Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết

Giáo dục KINH DOANH
19:02 - 06/12/2023
Bộ GD&ĐT: Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là để quản lý tốt hơn, đảm bảo chất lượng, quyền lợi người học.

Chiều 6/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đề xuất quy định đưa dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi đó đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng đề xuất này không mới. Trước kia, Luật Đầu tư có quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2012, Bộ GDĐT có ban hành Thông tư 17 quy định việc này.

Tuy nhiên, sau đó, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên Bộ GD&ĐT bỏ một số điều của thông tư nêu trên.

Theo Thứ trưởng, giáo viên tham gia vào dạy thêm theo 3 đến 4 hình thức: thầy cô dạy nhỏ lẻ dạy học sinh lớp khác, dạy thêm do gia sư, do phụ huynh nhờ. Bên cạnh đó, có hình thức tham gia dạy thêm ở các trung tâm hay tự thầy cô tổ chức trung tâm đó. Cũng có hình thức mới là dạy trực tuyến, một số thầy cô tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia, quy mô lớn.

"Việc dạy thêm học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Vấn đề phụ huynh học sinh quan tâm là con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao? Địa phương quan tâm đến chất lượng, liệu có đảm bảo công khai, minh bạch không?", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Vì vậy, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô, Thứ trưởng chia sẻ quan điểm.

Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện, sửa đổi thông tư để ban hành hướng tới quản lý chất lượng, quản lý về mặt thời gian, trách nhiệm của thầy cô, trong trường hợp nào thì được dạy thêm, có dạy thêm trong trường học không, với đối tượng nào, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Trước đó, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 20/11, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy cho biết, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.

Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều quy định về dạy thêm, học thêm, đặc biệt có thông tư 17 kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, rồi các quy định trong đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường...

Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

"Nhưng không rõ lý do vì sao trong năm 2020, 2021, việc này không được chấp thuận. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học", ông Sơn nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.