Bổ sung 'nơi sinh' trong hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục

QUỐC HỘI Việt nAM
22:42 - 15/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 4, chiều 15/11, đại diện Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, việc bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục, đảm bảo thuận lợi cho người dân.

Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV sau phiên bế mạc chiều 15/11, trả lời câu hỏi về việc hộ chiếu đã cấp từ ngày 1/7 đến nay xử lý như thế nào, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục, chi phí do hiện nay trong mẫu tờ khai cấp hộ chiếu, giấy thông hành đã có mục thông tin nơi sinh.

Theo ông An, việc bổ sung thông tin nơi sinh vào phần "bị chú" Bộ Công an đã làm rất nhanh, chỉ trong vòng 2 ngày và hoàn toàn miễn phí. Việc thông qua Nghị quyết ghi nơi sinh vào hộ chiếu thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với vấn đề phát sinh và phải xử lý nhanh.

Dù tờ trình của Chính phủ không nêu việc xử lý hộ chiếu đã in, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng sẽ xử lý triệt để các vấn đề phát sinh.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng khẳng định, đây là vấn đề kỹ thuật, Bộ Công an sẽ có phương án giải quyết ổn thỏa, đảm bảo thuận lợi cho người dân, không có gì khó khăn, lãng phí ở đây.

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh

Gói hỗ trợ 2% là nỗ lực lớn của NHNN

Về câu hỏi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm giải ngân, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2% và vốn đầu tư công, ông Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thông tin, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý III/2022, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện hỗ trợ lãi suất trên 32 tỷ đồng cho dư nợ 17.000 tỷ đồng.

"Đây là nỗ lực rất lớn của NHNN và các cơ quan chức năng trong bối cảnh vừa thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Lâm nhìn nhận.

Về tiến độ giải ngân đầu tư công, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhìn nhận, đầu tư công chậm xuất phát từ 2 nguyên nhân chính được chỉ ra trong nhiều năm qua.

Thứ nhất, vấn đề giải phóng mặt bằng theo ông Lâm luôn luôn là thách thức, làm chậm triển khai các dự án. Xuất hiện tình trạng chờ chính sách mới, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa Luật đất đai. Thứ hai, liên quan đến các thủ tục pháp lý, đặc biệt là thủ tục đấu thầu.

Tuy nhiên, ông Lâm nhìn nhận, tình hình năm nay có tính chất đặc thù khi khối lượng vốn giải ngân lớn hơn nhiều so với những năm trước, vừa giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, đồng thời Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội tung ra một lượng vốn rất lớn. Theo đó, tỷ lệ giải ngân thấp hơn năm trước, nhưng tổng thể khối lượng vẫn cao hơn.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

5 nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm

Liên quan đến câu hỏi trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã giao cho cơ quan chủ trì của Quốc hội tiếp tục triển khai công tác giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hậu giám sát việc làm rõ những vấn đề, danh mục dự án chậm tiến độ, hoang hoá đất đai, lãng phí.

Theo ông Lâm, báo cáo giám sát của Quốc hội có 4 phụ lục. Trong đó, phụ lục số 1 nêu rõ 52 dự án về đầu tư công, sử dụng vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí trong giai đoạn 2016-2021. Phụ lục số 2 nêu danh mục 13 công trình, dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ giai đoạn 2016-2021.

Phụ lục số 3 nêu danh mục 18 dự án đất đai hoang hoá, lãng phí, có vướng mắc trong giai đoạn 2016-2021. Phụ lục số 4 nêu 880 dự án công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng trong giai đoạn 2016-2021.

Trong quá trình giám sát, cơ quan giám sát đã chỉ ra được hạn chế, tồn tại của các dự án trên nhưng chưa có điều kiện để đi sâu, làm rõ tính chất, mức độ cũng như trách nhiệm. Do vậy, theo chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công tác hậu giám sát sẽ tiếp tục theo dõi những vấn đề giám sát đã chỉ ra.

Theo tinh thần đó, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm tới đây cần phải tập trung tuyên truyền để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó bao gồm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền kỷ cương, trách nhiệm trong việc thực hiện cũng như phát động phong trào toàn dân giám sát chống lãng phí trên các lĩnh vực.

Quốc hội giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát nội dung liên quan đến chính sách thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hàng năm. Lồng ghép một số nội dung giám sát chuyên sâu chính sách pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác thẩm tra các dự án, luật, pháp lệnh, tăng cường giám sát các ban ngành tổ chức, đặc biệt là giao cho Uỷ ban Tài chính Ngân sách chủ trì đôn đốc các cơ quan tổ chức thực hiện Nghị quyết; giám sát xử lý các dự án trong 4 phụ lục báo cáo.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục những vấn đề tồn tại trong các dự án, công trình trên. Trong năm 2023, yêu cầu phải hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp, đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 để đề xuất phương án điều chỉnh, khắc phục những bất cập. Đồng thời ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua chiều 15/11 đã đồng ý bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.

Đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trình bày trước Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào trang nhân thân của hộ chiếu không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí do hiện nay trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về "nơi sinh".

Đây cũng là thông tin bắt buộc công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.