Cà Mau: Thủy sản là trụ cột xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong quý 1

Cà Mau Quý 1
07:42 - 14/04/2023
0:00 / 0:00
0:00
Quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Cà Mau ước đạt 275 triệu USD, trong đó thủy sản là mặt hàng xuất khẩu trụ cột khi chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Theo báo cáoCông tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 3, quý 1 và Chương trình công tác quý 2 năm 2023” mới công bố của UBND tỉnh Cà Mau, quý 1/2023 tổng sản phẩm trên địa bản tỉnh (GRDP) ước tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,94%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,43%, khu vực dịch vụ tăng 10,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,76%.

Quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Cà Mau tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý, tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 7.507 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 21.959 tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch, tăng 20% so cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2022. Quý 1/2023, CPI của tỉnh Cà Mau tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Cà Mau tháng 3 ước đạt 105 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng thủy sản đạt 100,7 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cà Mau ước đạt 275 triệu USD, giảm 26,2% so cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu thủy sản đạt 238,6 triệu USD, tương ứng chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý của tỉnh.

Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm do nhu cầu đối với mặt hàng tôm trên thị trường quốc tế giảm mạnh. Tại Châu Âu, sức mua bị ảnh hưởng bởi tác động của lạm phát và những bất ổn liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine. Trong khi đó thị trường Mỹ vẫn đang trong tình trạng dư cung.

Bên cạnh đó, xuất khẩu phân bón của tỉnh cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại (góp phần ổn định nguồn cung, giá phân bón giảm so với cùng kỳ).

Trong quý 1/2023, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt 157.535 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ và bằng 24,6% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 99.000 tấn, tăng 3,7%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 58.535 tấn, tăng 2,8%.

Lũy kế đến hết tháng 3/2023, tỉnh Cà Mau có 128 sản phẩm OCOP với 61 chủ thể. Hiện có 42 sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh (siêu thị Big C, siêu thị CO.OPMART, CO.OP FOOD, Aeon, MEGA Market...).

Về du lịch, quý 1/2023, Cà Mau đón 565.443 lượt khách, bằng 32,3% kế hoạch; tổng doanh thu đạt 713,8 tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch.

Đến ngày 31/3, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt 1.306,6 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 21,1% so cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách địa phương đạt 2.570,6 tỷ đồng, bằng 21,9% dự toán, tăng 26,4% so cùng kỳ.

Nguồn vốn huy động của các ngân hàng tại địa phương đạt 68.250 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 64.047 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Đến hết tháng 3, Cà Mau đã giải ngân 867,9 tỷ đồng, bằng 20,3% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (cùng kỳ giải ngân 364 tỷ đồng, bằng 11,5% kế hoạch).

Về tình hình doanh nghiệp, trong tháng 3, có 121 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng vốn đăng ký là 427,1 tỷ đồng. Có 34 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động 167 doanh nghiệp.

Nguyên nhân giảm trên do trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, dẫn đến đơn hàng mới của doanh nghiệp trong nước ít.

Mặt khác, lãi suất huy động tăng cao, tín dụng được siết chặt, một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là lĩnh vực bất động sản), nên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể giảm so với cùng kỳ.

Về đầu tư, trong quý 1, Cà Mau thu hút 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 221,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 có 4 dự án mới với tổng vốn 952,2 tỷ đồng).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 440 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đạt 144.717,9 tỷ đồng. Bao gồm 9 dự án FDI với tổng vốn đạt 153,4 triệu USD.

Nhiệm vụ trọng tâm quý 2, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ "Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"

Trong quý 2/2023, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Cụ thể, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Rà soát, tham mưu xây dựng kế hoạch, đề cương dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng.

Đồng thời, tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Cà Mau sẽ trình, phê duyệt Đề án xuất khẩu điện ngoài khơi vùng biển tỉnh Cà Mau, tiếp tục tổ chức kiểm tra tiến độ thi công của các dự án điện gió đang triển khai đầu tư. Triển khai kịp thời các chính sách tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân. Chuẩn bị tốt các điều kiện phối hợp tổ chức đón chuyến bay đầu tiên và khai thác hiệu quả đường bay Cà Mau - Hà Nội.

Tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; nhiệm vụ Quy hoạch chung khu di lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Tiếp tục triển khai thực hiện các sự kiện, hoạt động du lịch trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023”.

Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện tốt Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.