Đà Nẵng: GRDP quý 1/2023 dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

KINH TẾ Đà nẵng
21:39 - 09/04/2023
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch kéo theo các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tình hình kinh tế xã hội của Đà Nẵng trong quý 1/2023 đã có nhiều khởi sắc.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội mới công bố của Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 của thành phố ước tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 2 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, chủ yếu là đóng góp của khu vực dịch vụ với mức tăng 11,53%, đóng góp 7,86 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 4,74% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,50% so với cùng kỳ năm 2022.

Quy mô nền kinh tế quý 1/2023 (theo giá hiện hành) ước đạt hơn 30.746 tỷ đồng, tăng 3.343 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 3.109 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 35 tỷ đồng; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp quy mô 25.626 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế quý 1/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm tỷ trọng từ 1,69% trong quý 1/ 2022 xuống còn 1,62% trong quý 1/2023; khu vực công nghiệp và xây dựng cũng có xu hướng giảm từ 19,63% xuống còn 17,41%.

Ngược lại, khu vực dịch vụ tiếp tục được mở rộng từ 67,74% lên 70,49%; thuế sản phẩm từ 10,94% lên 20,48%. Như vậy, cơ cấu nền kinh tế quý 1 tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng mở rộng khu vực dịch vụ và thu hẹp các khu vực còn lại.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm 2023 diễn ra với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại. Tăng trưởng toàn khu vực dịch vụ quý 1/ 2023 ước đạt 11,53%, so với cùng kỳ, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế thành phố.

Trong đó, một số nhóm ngành dịch vụ duy trì mức tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (+70,31%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+96,29%); nghệ thuật vui chơi và giải trí (+20,98%); các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác (+78,10%); hoạt động vận tải, kho bãi (+13,1%).

Riêng lĩnh vực thương mại giảm sâu (-13,52%), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán và sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (-33,63%) và ngành bán buôn hàng hóa (-21,82%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý 1/2023 đạt 15.566 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động du lịch tăng trưởng nổi bật, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3 năm 2023 ước đạt 542.600 lượt, gấp 3,6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý 1/2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 73%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt gần 700 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1 của Đà Nẵng giảm 3,3% so với cùng kỳ, trong đó giá trị tăng thêm (VA) toàn khu vực công nghiệp và xây dựng quý 1/2023 giảm 4,74%.

Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 4,9% so với cùng kỳ. Một số ngành chủ lực có mức giảm sâu phải kể đến như: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-29,2%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-22,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-18,9%)...

Bên cạnh đó, cũng có một số ngành công nghiệp lấy được đà tăng trưởng trở lại như: sản xuất chế biến thực phẩm (+17,8%); sản xuất đồ uống (+36,2%); sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ (+33,0%); sản xuất xe có động cơ (+25,6%)...

Chỉ số CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng tăng 8,65% so với cùng kỳ năm trước, trong khi bình quân 3 tháng cùng kỳ năm 2022 tăng 0,33% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng; 2/11 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, hoạt động thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 20/3/2023 đạt 5.123 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 1.429 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 3.694 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/03/2023 đạt gần 7.780 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành quý 1/2023 ước đạt 6.018 tỷ đồng, giảm lần lượt 31,4% so với quý trước và 22,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, so với cùng kỳ khu vực ngoài Nhà nước giảm 20,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 57,5%; riêng khu vực Nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước 1,8% phần lớn từ giá trị đầu tư công mang lại.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm mạnh giá trị đầu tư thực hiện trên địa bàn so với hai khu vực còn lại. Nhiều doanh nghiệp FDI cắt giảm khá nhiều nguồn vốn tái đầu tư và đầu tư mới nhằm bù đắp các khoản thâm hụt và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn như công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng; công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam; công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam; công ty TNHH Kinh doanh Miễn thuế 21 Lotte Phú Khánh...

Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, tính đến 15/03/2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1.505 tỷ đồng, giảm 33,3% số dự án và chỉ bằng 56,9% tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến 15/03/2023, thành phố đã cấp mới chứng nhận cho 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,46 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 23 dự án nhưng giảm 18,8% về số vốn đăng ký).

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính chung quý 1/ 2023 (từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/03/2023), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 812 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.216 tỷ đồng; so với cùng kỳ giảm 7,8% về số doanh nghiệp và giảm 51,7% về số vốn đăng ký.

Có 168 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và rút lui khỏi thị trường kinh doanh, tăng 7,7% so với cùng kỳ

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.