Cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca mắc sốt xuất huyết

Y Tế Việt nAM
10:04 - 12/07/2022
Cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca mắc sốt xuất huyết
0:00 / 0:00
0:00
Ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần qua đã tăng khoảng 11.000 ca, nâng tổng số ca mắc lên mức 103.000 ca.

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 11/7, Việt Nam đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 7 tháng đầu năm 2022 là 0,035% (tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%, Indonesia 0,89%, Philippin 0,51%, Campuchia 0,2%, Lào 0,18%, Malaysia 0,06%).

Sáng ngày 11/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, vùng đang tồn tại nhiều ổ dịch lớn, cho biết, trong tuần qua (từ 1/7 - 7/7) TP đã ghi nhận sự gia tăng mạnh của 143 ổ dịch mới với 2.834 bệnh nhân, tăng 307 ca (12,1%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, thành phố cũng vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, trong tháng 6, địa phương này đã ghi nhận 1.380 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 6 lần so với trung bình tháng 6 của 5 năm qua. Nếu tính tổng số ca mắc 6 tháng đầu năm, con số này đã gấp 22,7 lần so với năm 2021. Đồng thời, tại các tỉnh, thành khác trong vùng cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh, gây quá tải tại các bệnh viện do các ca nhiễm sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố như Huế, Quảng Nam.

Tại phía Bắc, tại Hà Nội tính từ đầu năm đến nay Thành phố đã ghi nhận khoảng gần 200 ca mắc sốt xuất huyết, dù số ca ít hơn phía Nam nhưng thời gian gần đây đã có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc có nhiều thất thường, khi lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế cho biết còn một số vấn đề tồn tại như tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng không được xử lý, chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng, công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh…

Mặt khác, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại về dịch sốt xuất huyết do tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua (đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân).

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 10/7, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới các hộ gia đình nhằm tham gia phòng, chống dịch…

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn ngay trong tháng 7/2022 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Sở Y tế các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu… hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.