Các địa phương Trung Quốc 'rục rịch' thiết lập mục tiêu GDP năm 2022

TĂNG TRƯỞNG TRUNG QUỐC
11:56 - 07/01/2022
Chính quyền thành phố Bắc Kinh khẳng định rằng, đảm bảo “ổn định là ưu tiên hàng đầu". Ảnh: Elnuevodiario
Chính quyền thành phố Bắc Kinh khẳng định rằng, đảm bảo “ổn định là ưu tiên hàng đầu". Ảnh: Elnuevodiario
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu vạch kế hoạch kinh tế cho năm 2022, đặt ra các mục tiêu tăng trưởng từ vừa phải cho đến đầy tham vọng, cho thấy những thông điệp rõ ràng về mục tiêu khôi phục kinh tế quốc gia.

Trong dự thảo báo cáo công việc được công bố trên trang web chính thức hôm 6/1, chính quyền thành phố Bắc Kinh và tỉnh Hà Nam bắt đầu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 trên 5% và 7%. Mức tăng trưởng của hai khu vực này từng đạt 6,1% và 7% trong thời kỳ trước đại dịch Covid-19 năm 2019.

Sau những tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh khẳng định rằng, đảm bảo “ổn định là ưu tiên hàng đầu". Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hà Nam cho biết, khi họ đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì đã “tính toán đến các lợi thế và tiềm năng, ước tính những khó khăn và thách thức”. Tất cả những yếu tố này sẽ “giúp định hướng kỳ vọng, tăng cường niềm tin và giúp huy động các nguồn vốn khi cần thiết”.

Trung Quốc thường công bố mục tiêu GDP hàng năm vào tháng 3 khi Quốc hội họp. Theo dự báo của các các nhà kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đặt đặt mức sàn tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 lên khoảng 5%, trong bối cảnh chính phủ nước này đang cố gắng cân bằng giữa mong muốn kiềm chế sự nóng lên của lĩnh vực bất động sản với nhu cầu ổn định kinh tế.

Thận trọng và đặt mục tiêu thấp hơn

Tỉnh Hà Nam ước tính rằng, nền kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2021, thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 7% được đặt ra cho cả năm. Trong ba quý đầu năm ngoái, GDP tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy nền kinh tế tỉnh Hà Nam đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý cuối cùng của năm.

Với thành phố Bắc Kinh, dự báo nền kinh tế của họ đã tăng trưởng 8,5% trong năm ngoái, vượt qua mục tiêu ban đầu là 6%.

Trung Quốc sẽ “đương đầu với khó khăn chưa từng có” trong việc ổn định thương mại vào năm 2022. Ảnh: Chinatopix

Trung Quốc sẽ “đương đầu với khó khăn chưa từng có” trong việc ổn định thương mại vào năm 2022. Ảnh: Chinatopix

Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Trung Quốc rằng, Trung Quốc sẽ “đương đầu với khó khăn chưa từng có” trong việc ổn định thương mại vào năm 2022 bởi điều kiện thuận lợi để tăng xuất khẩu như năm nay sẽ không thể duy trì được.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 6/1, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cho rằng tăng trưởng xuất khẩu tại nước này sẽ có thể chững lại khi mà các đối thủ xuất khẩu cùng cạnh tranh nhau về năng lực sản xuất, đồng thời lạm phát đẩy cao giá trị xuất khẩu. Việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh cũng khiến cho nền so sánh của năm 2022 cao hơn.

Theo ông Ren, Trung Quốc sẽ giúp tăng cường năng lực xuất khẩu và khả năng quản lý các rủi ro ngoại hối cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các lãnh đạo cũng thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và các hoạt động vận tải quốc tế, thông qua cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Ngoài ra, nước này khẳng định sẽ cố gắng tạo điều kiện cho hoạt động ngoại thương và điều chỉnh các quy định cho phù hợp. Các biện pháp này nhắm đến việc bình ổn thương mại vào đầu năm 2022.

Ông Ren cho rằng tỷ trọng xuất - nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 20% trong năm 2021, ước tính đạt khoảng 6.000 tỷ USD.

Trước đó, vào đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao, cũng nói rằng Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc giữ cho tăng trưởng thương mại ổn định vào năm sau.

Trong suốt năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc đã vững vàng vượt qua cơn bão khủng hoảng cung ứng và lạm phát. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 2 con số đều đặn các tháng trong năm nay chỉ ngoại trừ tháng 2/2021 với mức tăng 155% do cùng kỳ năm ngoái suy giảm mạnh.

Sự khởi sắc của ngành xuất khẩu mang đến yếu tố hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế vốn chịu áp lực bởi nhiều biện pháp quản lý hành chính khắt khe và các đợt bùng phát dịch Covid-19 liên tiếp.

Với mục tiêu GDP quốc gia khoảng 5% cho năm 2022, có thể thấy Trung Quốc đang dè dặt trước sự phục hồi kinh tế, thể hiện sự sụt giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch gần 7%. Điều này cũng phản ánh rằng chính phủ nước này sẽ kiên trì giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, ngay cả khi chi phí tăng trưởng chậm hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp