Cần có cơ chế đi trước để TP HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng của cả nước

QUỐC HỘI Việt nAM
21:18 - 08/06/2023
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đắk Nông. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, TP HCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù, mà cần phải có cơ chế đặc biệt; không chỉ vượt trội mà cần đi trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng của đất nước.

Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Tất cả ý kiến phát biểu đều tán thành với sự cần thiết của nghị quyết, cho rằng đây là dự án hết sức quan trọng, không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả nước; tác động đến cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân Thành phố cũng như trong khu vực.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) thống nhất với 2 nhóm chính sách và 44 nội dung cụ thể đã được dự thảo trong Nghị quyết của Quốc hội kỳ này đối với TP HCM.

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ băn khoăn việc tìm trong 44 nội dung của dự thảo Nghị quyết mới thì đâu là một cơ chế mang tính chất đột phá, cơ chế nào là chính, hay chủ yếu là nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.

Đại biểu cho rằng nếu tháo được những "cái chốt" thì chắc chắn TP HCM sẽ bứt phá lên, như "ngòi kích nổ" để thành phố phát triển đúng tầm và đúng vị thế.

"Nên nghiên cứu hướng tới xây dựng một luật về phát triển TP HCM", ông Hạ đề xuất.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, vấn đề của TP HCM là những chính sách mới, có những việc đang được quy định ở trong luật, có những việc đang được thí điểm ở tại các tỉnh, thành phố mà vừa rồi Quốc hội cho ứng dụng nghị quyết thí điểm. Vậy đâu là vướng mắc?

"Những vấn đề này các tỉnh, thành phố khác có cần không, nếu như tất cả đều khó khăn như thế mà chúng ta lại thí điểm quá lâu. TP HCM cũng đã thí điểm rồi, sau đó Nghị quyết 54 cũng thí điểm lại, bây giờ chúng ta lại thí điểm nữa. Vậy khi nào thì rút ra tổng kết được vấn đề.

Tôi nghĩ nếu tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này về cơ chế, chính sách pháp luật thì không chỉ TP HCM mà những thành phố đã được Quốc hội cho hưởng cơ chế nghị quyết đặc thù thì cả nước cùng tăng trưởng, trong đó những thành phố lớn sẽ tăng trưởng, bứt phá mạnh hơn, rõ rệt hơn", đại biểu Tạ Văn Hạ kỳ vọng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

TP HCM phải có cơ chế đặc biệt

Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ nhất trí với chủ trương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TP HCM nói riêng, các vùng kinh tế trong vùng và của cả nước nói chung.

Đại biểu cũng đồng ý với các cơ chế, chính sách dành cho Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM. Ông cho rằng đây là công ty với vai trò quan trọng trong việc cho vay thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty này như phát hành trái phiếu quốc tế.

Đồng thời ưu tiên đầu tư cho một số công trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, công trình dự án chống ngập vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Về việc cho phép TP HCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, đại biểu tán thành cần có cơ chế đặc thù để phát triển, hiện đại hóa công trình đường bộ của TP HCM.

Về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, đại biểu đồng tình cần có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư. Tuy nhiên đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, dù là ngân sách TP HCM.

"TP HCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để TP HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới; là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín", đại biểu nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.