CEO Sky Mavis: Đầu tư vào công nghệ là cơ hội tạo nên sức bật lớn cho đất nước

KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ
22:05 - 15/09/2023
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc điều hành Sky Mavis. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc điều hành Sky Mavis. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Theo nhà sáng lập game Axie Infinity từng gây "sốt" toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế trong lĩnh vực công nghệ blockchain, điểm cốt lõi để tạo nên sức bật là chính sách và khung pháp lý.

Tại phiên thảo luận thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về chủ đề đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chiều 15/9, các đại biểu đã đưa ra nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc điều hành Sky Mavis, công ty đứng sau tựa game Axie Infinity từng gây "sốt" toàn cầu cho biết, ông đến với công nghệ blockchain bắt đầu vào năm 2018, khi mọi thứ về blockchain ở thời điểm đấy còn rất mơ hồ. Sau 3 năm, Axie Infinity trở thành trò chơi blockchain đạt được mốc 3 triệu người chơi, trở thành hiện tượng gây sốt trên toàn thế giới.

“Để đạt được thành tựu chưa ai từng có, chúng tôi đã phải đối mặt với những thử thách chưa ai từng trải qua. Chúng tôi từng phải đối mặt việc phá sản, đã từng bị hack và mất một khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên sau tất cả những thất bại đó, chúng tôi đã trở lại một cách đầy mạnh mẽ”, ông Trung nói.

Vị CEO trẻ cho rằng, trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, những startup công nghệ như Sky Mavis đang góp phần mở đường và khai phá những lĩnh vực, tuy mới mẻ nhưng thực sự có khả năng thay đổi hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống.

AI, Blockchain, IoT, Machine learning là những từ khóa được nhắc đến rất nhiều và liên tục gần đây. Những công ty khởi nghiệp ở các lĩnh vực này đang được nhân rộng một cách nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Đây sẽ là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các công nghệ mới.

Cũng theo ông Trung, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế trong lĩnh vực công nghệ blockchain và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới. Việc nắm bắt được thời điểm và tập trung đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực mới sẽ là cơ hội đưa một đất nước đang phát triển lên sánh vai với các cường quốc công nghệ.

"Điểm cốt lõi có thể tạo nên sức bật lớn cho Việt Nam chuyển mình bứt phá, đó chính là cần chính sách và khung pháp lý rõ ràng cho công nghệ blockchain và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này…", ông Trung nói.

Ông cũng cho rằng, công nghệ blockchain và các yếu tố liên quan như tài sản số nên được định nghĩa và ghi nhận một cách chính thức, làm tiền đề cho việc hợp pháp hóa và ban hành các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vừa khuyến khích tìm hiểu về công nghệ mới, vừa khuyến cáo về giới hạn và rủi ro.

Phiên thảo luận chuyên đề 2 về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Phiên thảo luận chuyên đề 2 về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Chia sẻ một số chính sách của Trung Quốc trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, bà Tingyu Yuan - Quản lý tại Công ty HICOOL, chuyên gia trong lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ cho biết, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống quy định của quốc gia nhằm khuyến khích khởi nghiệp, cung cấp tài chính, đơn giản hóa và giảm rào cản thủ tục hành chính. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua internet mà không cần đến trực tiếp tại các cơ quan quản lý. Việc này đã khuyến khích nhiều người tham gia khởi nghiệp.

Ngoài ra, chính sách về giảm thuế cũng được Trung Quốc đưa ra với các công cụ tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao kiến thức tài chính cho doanh nghiệp...

Thời gian qua, Công ty HICOOL đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, với các cơ chế cụ thể như công nghệ xanh, công nghệ y tế, sáng tạo văn hóa, công nghệ lương thực, công nghệ nông nghiệp…

Mỗi năm, công ty tổ chức một sự kiện trên phạm vi toàn thành phố với các giải thưởng, chương trình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế thể hiện ý tưởng về khởi nghiệp, đồng thời là dịp để các công ty, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp hiểu hơn về các chính sách khởi nghiệp của Trung Quốc.

Bà Tingyu Yuan, một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ đến từ Trung Quốc. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Bà Tingyu Yuan, một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ đến từ Trung Quốc. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Ông Beniam Gebrezghi - chuyên gia thuộc nhóm Quản trị Chính phủ và xây dựng hòa bình tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chia sẻ, UNDP đang có một chương trình khởi nghiệp thanh niên lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 202 đối tác.

Dự án có tên Youth Co: Lab. Trước đó, UNDP nhận thấy có nhiều sáng kiến đang được thực hiện nhưng chưa có kênh mang tính khu vực để có “vườn ươm” tập trung cho sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên.

Khác biệt với những dự án khác, Youth Co: Lab tập trung vào tinh thần khởi nghiệp và những kỹ năng dành cho thanh niên trong thế kỷ 21 để có thể thích ứng trong môi trường, bối cảnh thế giới đang thay đổi. Chương trình hiện có các đối tác như Tổ chức Lao động Thế giới hay các định chế tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á…; từ đó thành lập các trung tâm chiến lược tại các quốc gia và tiến hành các dự án mang tính định hướng quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.