Chất lượng tín dụng tốt, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 53%

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:36 - 29/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHĐCĐ 2022 ngày 29/4, lãnh đạo ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, đồng thời tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng kỳ vọng được kiểm soát tốt

Trình bày tại đại hội cổ đông, lãnh đạo BIDV cho biết, về định hướng phát triển dài hạn, tổng tài sản tại ngân hàng trong giai đoạn 2022-2025 được đánh giá sẽ tăng trưởng bình quân từ 8-12%. Dư nợ cuối kỳ tăng 8-12,5%. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng từ 19-26% mỗi năm.

BIDV cũng sẽ phấn đấu để tỷ lệ ROE luôn cao hơn 12,5% trong cả giai đoạn, đồng thời duy trì hệ số CAR đảm bảo quy định của NHNN.

Về tỷ lệ kiểm soát nợ xấu, BIDV là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp trong hệ thống, với tỷ lệ 0,82% trong năm 2021. Ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức thấp dưới 1,6%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về động lực để duy trì đà tăng trưởng, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho biết: "Chúng ta đang ở giai đoạn tái cơ cấu, năm 2021 do ảnh hưởng bởi Covid-19, ngân hàng đã dành nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, mức trích lập dự phòng rủi ro năm ngoái là 29.000 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 235%. BIDV đã trích lập đầy đủ các khoản nợ theo quy định của NHNN và Chính phủ cho phép trong 3 năm theo Thông tư 01".

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cũng chia sẻ: "Trong những năm vừa qua, chênh lệch thu chi tại BIDV ở mức khá cao. Tuy nhiên ngân hàng cũng dành nguồn lực để trích lập dự phòng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Điều này làm giảm tỷ lệ trích lập nên ngân hàng đặt tham vọng lợi nhuận cao hơn trong năm nay".

Ngoài ra, ông Lâm cũng tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2022 với tổng huy động vốn của ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,7%. Chất lượng nợ xấu ở 0,8%. Lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng là 4.190 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 4.513 tỷ đồng và thực hiện 22% kế hoạch năm.

Lập kế hoạch tăng vốn điều lệ 2022

Tại đại hội đồng cổ đông lần này, ngân hàng BIDV cũng cho biết dự kiến tăng 21% vốn điều lệ, tương ứng tăng thêm 10.623 tỷ đồng lên hơn 61.208 tỷ đồng thông qua hai phương án. Đầu tiên là phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ phân chia là 12%. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong quý III và quý IV/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, BIDV sẽ chào bán thêm hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tỷ lệ phát hành dự kiến là 9%. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, thời điểm cụ thể giao HĐQT quyết định sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng, trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 đến ngày hoàn thành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Một vấn đề được cổ đông tại BIDV quan tâm liên quan đến kế hoạch phát hành chào bán riêng lẻ. Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cũng cho biết, ngân hàng dự kiến phát hành từ 2 cấu phần từ lợi nhuận trước thuế để lại và phát hành riêng lẻ.

Ảnh tác giả

Con số 9% là kế hoạch được thực hiện trong 2 năm 2022-2023 và phải thực hiện được. Về mức giá kỳ vọng, BIDV sẽ triển khai theo quyết định của nhà nước và tình hình thị trường. Và đặc biệt phát hành riêng lẻ phải phù hợp tiêu chí của nhà đầu tư và tuân thủ các quy định pháp luật.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV

Hiện nay, hệ số CAR riêng lẻ của BIDV là 8,6% và hệ số CAR của các ngân hàng nhà nước cũng ở mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Do vậy, khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đang đề xuất Chính phủ có nhiều giải pháp để tăng vốn điều lệ để cải thiện hệ số CAR

Đối với hệ sinh thái của BIDV, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, hiện BIDV có Công ty Bảo hiểm BIC là một trong những công ty được thị trường đánh giá cao.

Tính đến cuối năm 2021, nợ cơ cấu Covid-19 của Ngân hàng khoảng 25.262 tỷ đồng và khả năng phục hồi 95%. Tuy nhiên, số liệu nợ xấu từ năm nay trở về sau, ngân hàng dự kiến chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, do đó nhiều khả năng nợ xấu sẽ tăng lên nhưng BIDV vẫn đảm bảo nợ xấu dưới thấp bởi ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Tại đại hội, BIDV thực hiện bầu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2027. Danh sách nhân sự dự kiến gồm ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Trần Xuân Hoàng, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Phạm Quang Tùng, ông Lê Kim Hoà, ông Yoo Je Bong và ông Nguyễn Văn Thạnh.

Ngoài ra, đại hội còn thông qua nhiều nội dung như sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng; lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập; bổ sung hoạt động ngân hàng giám sát và hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán vào hoạt động của BIDV...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.