Chất tạo ngọt aspartame bị xếp vào loại 'có thể gây ung thư'

Sức khỏe THẾ GIỚI
17:51 - 14/07/2023
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - một nhánh của WHO - ngày 14/7 coi aspartame là một chất có thể gây ung thư. Ảnh: Reuters
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế - một nhánh của WHO - ngày 14/7 coi aspartame là một chất có thể gây ung thư. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/7, cơ quan chuyên về bệnh ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi chất tạo ngọt aspartame phổ biến trong nước ngọt ít calo và nhiều thực phẩm khác là một chất “có thể” gây ung thư nhưng vẫn an toàn nếu được tiêu thụ ở ngưỡng quy định.

Kết quả này được công bố bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một chi nhánh đặc biệt của WHO. Theo AP, IARC đã triệu tập nhóm chuyên gia của mình vào tháng 6 để đánh giá khả năng gây ung thư của chất aspartame. Kết luận được đưa ra ngày 14/7 rằng aspartame “có thể gây ung thư” được dựa trên các nghiên cứu ở người và động vật với các bằng chứng “hạn chế” liên quan tới bệnh ung thư gan.

Aspartame được liệt vào danh mục tác nhân có thể gây ung thư của IARC cùng với hơn 300 chất khác từ chiết xuất lô hội, rau muối kiểu châu Á và đồ mộc. Tuy nhiên, các đánh giá này không ảnh hưởng tới liều lượng được khuyến nghị sử dụng đối với aspartame.

Trong khi đó theo một tuyên bố được đưa ra bởi một hội đồng chuyên gia do WHO và một nhóm khác của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) trong cùng ngày, “không có bằng chứng thuyết phục” chứng minh rằng ở mức tiêu thụ hiện tại, aspartame gây nguy hiểm. Do đó, hội đồng không đưa ra bất kỳ thay đổi nào về mức tiêu thụ chất tạo ngọt này.

Aspartame là gì?

Aspartame là chất tạo ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp và ngọt hơn đường khoảng 200 lần. Nó có dạng một loại bột màu trắng, không mùi và là chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Tại Châu Âu và Mỹ, aspartame được cấp phép làm phụ gia thực và được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, đồ uống như nước ngọt ít calo, các món tráng miệng, kẹo cao su, các loại thuốc bao gồm thuốc ho và thực phẩm giúp giảm cân.

Aspartame đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào năm 1974 với lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được là 50 miligam/kg trọng lượng cơ thể. Trong khi đó, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã đánh giá mức độ an toàn của aspartame vào năm 1981 và đặt giới hạn an toàn hàng ngày thấp hơn ở mức 40 miligam aspartame/kg.

Theo ông David Spiegelhalter, giáo sư thống kê danh dự tại Đại học Cambridge, khuyến cáo này đồng nghĩa với việc “một người trung bình có thể an toàn tiêu thụ tới 14 lon nước ngọt ít calo mỗi ngày”.

Ảnh hưởng tới người tiêu dùng và các công ty

Trước các lo ngại của người tiêu dùng, FDA khẳng định các bằng chứng khoa học cho thấy aspartame “an toàn cho người dân nói chung” khi được sử dụng trong giới hạn.

Giám đốc dinh dưỡng của WHO, Tiến sĩ Francesco Branca, cũng đưa ra nhận định người tiêu dùng hoàn toàn có thể tiêu thụ một lượng aspartame “khá lớn” mà không bị bất kỳ tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, những người tiêu thụ nhiều loại chất tạo ngọt này nên cân nhắc cắt giảm.

Trong khi đó theo ông David Klurfeld, chuyên gia dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Indiana-Bloomington, hầu như bất kỳ chất nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu dùng quá nhiều. Ông nhận định: “Liều lượng tạo nên chất độc. Ngay cả những chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, sắt và nước cũng sẽ gây nguy hiểm tính mạng trong vòng vài giờ nếu tiêu thụ quá nhiều”.

Hiệp hội Đồ uống Mỹ cũng có những động thái trấn an khi khẳng định trong một tuyên bố ngày 14/7 rằng: “Có một sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng khoa học và quản lý rằng aspartame là an toàn”.

Đọc tiếp