Châu Âu cạnh tranh khí đốt có thể khiến Australia thiếu nguồn cung

NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI
17:34 - 31/05/2022
Cảng nhập khẩu LNG của Woodside tại Tây Australia. Ảnh: Woodside
Cảng nhập khẩu LNG của Woodside tại Tây Australia. Ảnh: Woodside
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm thay thế khí đốt từ Nga, châu Âu đang chạy đua để tìm kiếm nguồn cung và điều này có thể khiến một số quốc gia có nhu cầu nhập khẩu LNG như Australia thiếu hụt nguồn cung trong 2 năm tới, đặc biệt tại các khu vực đông dân phía Đông Nam nước này.

Theo Reuters, do chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tại Ukraine, các quốc gia phương Tây gồm Mỹ và các nước EU đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên nước này. Chính các động thái này đã tạo nên nhiều căng thẳng trong khu vực châu Âu, đặc biệt khi Nga vẫn đang nắm giữ quân bài chủ chốt là lĩnh vực năng lượng.

Sau khi tập đoàn khí đốt nhà nước của Nga là Gazprom chính thức cắt nguồn cung tới một số nước không tuân thủ theo cơ chế thanh toán mới, các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan đều đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, các nỗ lực này không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới vốn đang căng thẳng từ các ảnh hưởng hậu Covid-19. Các quốc gia châu Âu hiện phải cạnh tranh lẫn nhau và cả với các quốc gia khác gồm các thị trường vốn là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới như Australia.

Nguyên nhân ở đây là do các mỏ khí đốt chính của Australia đều nằm xa các thành phố lớn ở phía Đông Nam như Sydney và Melbourne. Hơn nữa, phần lớn sản lượng đầu ra của các tập đoàn khí đốt tại đây là để dành cho các hợp đồng với các nhà nhập khẩu châu Á. Do đó để có thể giải quyết tình trạng này, Australia đã tiến hành kí kết nhiều dự án nhập khẩu LNG để có thể đáp ứng được nhu cầu cho các đô thị đông dân phía Đông Nam.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các dự án vẫn chưa đến được giai đoạn chốt khách hàng hay cơ sở hạ tầng. Trong khi đó theo nhà phân tích Saul Kavonic của Credit Suisse, các nhà nhập khẩu châu Âu lại đang khai thác tất cả lượng LNG dự phòng và bất kỳ lượng LNG nào còn đang trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, các nhà nhập khẩu Australia có khả năng không còn đủ nguồn cung để lấp đầy nhu cầu khí đốt dự kiến cho năm 2024 trở đi. Ngoài ra, các căng thẳng chưa dứt tại khu vực châu Âu càng làm tăng nguy cơ trì hoãn tiến độ hoàn thành các dự án nhập khẩu của Australia.

Theo Giám đốc điều hành Woodside Energy Group Meg O'Neill, Viva Energy của Australia là ví dụ về một tập đoàn đang nhắm tới mục tiêu mở một cảng nhập khẩu LNG tại Geelong gần Melbourne trong năm nay. Nhưng tập đoàn này đã bị mất lượng đặt hàng khí LNG thông qua kho nổi chứa và tái hóa khí FSRU vào tay công ty khí đốt Hoegh LNG của Đức và hiện phải trong quá trình đám phán với công ty này.

Trước đó hồi tháng 3, Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia Anna Brakey đã đưa ra cảnh báo nếu không có LNG nhập khẩu, thị trường Đông Nam của nước này sẽ đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng từ mùa đông năm 2024. Điều đáng lo ngại hơn nữa là tới các năm 2026 hoặc 2027, tình hình có thể sẽ không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn khi toàn bộ bờ biển phía đông Australia dự kiến chịu chung tình trạng.

Khi được hỏi về vấn đề này, Hoegh LNG không đưa ra bất kỳ bình luận mà chỉ cho biết công ty đang tiến hành các động thái cần thiết với các cam kết đã được đảm bảo chắc chắn.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.